Phát triển nguồn nhân lực KHCN trẻ trong bối cảnh cách mạng 4.0
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trẻ ở các DNVVN trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Đó cũng chính là nội dung của Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021-2030” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đồng tổ chức sáng 3/12/2024 tại Hà Nội, với sự tham gia chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của hơn 100 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, cùng đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm.
Báo cáo đề dẫn của TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy, với quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, doanh thu hạn chế, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DNVVN thường chỉ tập trung cho những hoạt động sản xuất kinh doanh cho lợi nhuận trước mắt, trong khi đó, năng lực KH&CN trong các doanh nghiệp là yếu tố quyết định năng suất lao dộng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, quan tâm, đầu tư đúng mức. Sự thiếu vắng nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp trở thành rào cản trong việc thực hiện chính sách liên kết giữa ba nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Linh cũng cho biết, đề tài nghiên cứu khoa học “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030″ được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép Viện Nghiên cứu Thanh niên triển khai từ tháng 11/2022 sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất những giải pháp mang tính đột phá về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và phát huy tiềm năng của nhân lực khoa học, công nghệ trẻ, nguồn vốn con người quan trong trong thời đại 4.0 phục vụ phát triển doanh nghiệp và đất nước.
Trần Thị Hoa Thơm đến từ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong bài tham luận đã nhấn mạnh đến chiến lược phát triển nhân lực KHCN trẻ, theo đó các quốc gia có tỷ lệ nhân lực KHCN cao thường đạt tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2022) cũng chỉ ra rằng các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đã thành công vượt trội nhờ vào chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nhân lực KHCN trẻ, giúp họ đạt năng suất lao động cao gấp 2-3 lần so với các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, việc phát triển và khai thác hiệu quả nhân lực KHCN trẻ đã trở thành ưu tiên chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, nhân lực KHCN trẻ tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, từ hạn chế trong các chính sách hỗ trợ, môi trường làm việc thiếu sáng tạo, đến cơ hội phát triển nghề nghiệp chưa đủ rộng mở. Theo khảo sát của ADB (2022), chỉ 55% lao động Việt Nam được đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, thấp hơn nhiều so với Singapore (85%) và Malaysia (75%). Ngoài ra, lĩnh vực AI và blockchain đang đặt ra thách thức lớn khi Việt Nam chỉ đạt mức độ sẵn sàng nhân lực công nghệ số là 45%, trong khi Singapore đạt 85% (ERIA, 2023).
Trao đổi về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và làn sóng công nghệ mới đến nhân lực KHCN trẻ trong các DNVVN, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng AI không chỉ làm biến đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp mà còn định hình lại mối quan hệ giữa con người và công nghệ, mở ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Đội ngũ nhân lực trẻ đang phải đổi mặt với những thách thức như thiếu hụt kỹ năng cần thiết để hoạt động hiệu quả trong môitrường công nghệ cao, cũng như áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ những lao động có kinh nghiệm hơn. Để có thể khai thác tối đa tiềm năng của nhân lực trẻ trong bối cảnh hiện tại, bên cạnh các giải pháp chính sách đối với chính phủ và các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), các DNVVN cần đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên trẻ; xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, tạo điều kiện để nhân viên tự do sáng tạo và đưa ra ý tưởng mới. Bên cạnh đó, cần hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để tìm kiếm các đối tác trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để tìm kiếm các cơ hội phát triển các ý tưởng kinh doanh, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tham luận của TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, đưa ra khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nhân lực khoa học công nghệ với giải pháp phát triển nhân lực khoa học trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, đối với khu vực nhà nước, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí của đội ngũ khoa học đối với quá trình phát triển đơn vị và đất nước; gắn công tác xây dựng qui hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương với phát triển đội ngũ nhân lực khoa học. Còn đối với khu vực ngoài nhà nước, cần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thu hút doanh nghiệp, hội, cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu sâu, giảm tình trạng doanh nghiệp đầu cơ, tầm nhìn ngắn hạn.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân lực KHCN trẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và AI phát triển mạnh mẽ. Nhiều giải pháp được đưa ra như: Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và thu hút nhân tài; Cải cách giáo dục và đào tạo nhân lực trẻ; Phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo lại nhân lực; Phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường làm việc; Thúc đẩy hội nhập quốc tế…
Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trẻ trong các DNVVN là một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, là yêu tố quan trọng giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và công nghệ cao trong khu vực và thế giới./.