Hội nghị đối tác sáng kiến tích cực với thiên nhiên ở Việt Nam năm 2024

Tạp chí Biển Việt Nam - Từ 23 - 25/4, tại Hà Nội, Lào Cai và Sơn La, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Liên minh Đa dạng sinh học - Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (ABC) và Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) tổ chức Hội nghị đối tác Sáng kiến tích cực với thiên nhiên ở Việt Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá những thành tựu của NATURE+ (Sáng kiến tích cực với thiên nhiên) tại Việt Nam và thảo luận về tiến trình hợp tác giữa CGIAR (Nhóm nghiên cứu tư vấn nông nghiệp quốc tế) và các đối tác trong nước, bao gồm chia sẻ những thành công, thách thức và bài học kinh nghiệm cũng như thảo luận về các hoạt động NATURE+ trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị có gần 80 đại biểu bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 40 đại biểu Việt Nam đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu của Bộ NN và PTNT và các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Khoảng 20 đại biểu quốc tế là đại diện của các tổ chức của CGIAR tham gia sáng kiến NATURE+ như: Liên minh Đa dạng sinh học – Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (Bioversity –CIAT); Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI); Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP); Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI); Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI); Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI); Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP). Ngoài ra còn có khoảng 20 đại biểu là đại điện các quốc gia tham gia sáng kiến và các tổ chức nghiên cứu quốc tế không có điều kiện tham dự trực tiếp.
Các đại biểu, nhà khoa học tham gia trực tiếp tại Hội nghị.
Sáng kiến “Tích cực với thiên nhiên (NATURE+): Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thông qua các giái pháp thân thiện với thiên nhiên để bền vững và linh hoạt hơn”, do các nhà khoa học và đối tác của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) phát triển, là một chương trình nhằm tích hợp các hệ thống sản xuất nông sản thực phẩm với các hệ thống cải tiến tích cực về thiên nhiên. Các kết quả mong đợi chính của Sáng kiến bao gồm phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm đa dạng sinh học nông nghiệp, sắp xếp lại các chương trình khuyến khích kinh tế và áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, liên quan đến việc thúc đẩy các bộ công cụ cùng phát triển thực hành để quản lý đa dạng sinh học, đất, nước và chất thải theo những cách có lợi cho con người (thực phẩm lành mạnh hơn và an toàn hơn) và hành tinh (giảm lượng khí thải carbon trong nông nghiệp, đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, nạn phá rừng và suy thoái rừng). NATURE+ được triển khai tại 5 quốc gia trên toàn cầu  bao gồm: Việt Nam, Burkina Faso, Colombia, Ấn Độ, và Kenya.
Kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2022, một loạt hoạt động đã được thiết kế và triển khai bởi các trung tâm CGIAR, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và đơn vị trực thuộc và các đối tác quốc gia khác, tập trung vào hai tỉnh miền núi phía Bắc là huyện SaPa (Lào Cai) và huyện Mai Sơn (Sơn La).
Dự án “Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thông qua các giải pháp thân thiện với thiên nhiên để bền vững và linh hoạt hơn” đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2508/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/06/2023 là một trong các hoạt động của NATURE+ hiện đang được Trung tâm Khoai tây quốc tế – thành viên của CGIAR phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Dự án được thực hiện trong hai năm từ 2023 – 2025.
Dự án tăng cường sử dụng các giải pháp tích cực từ thiên nhiên và đa dạng sinh học nông nghiệp, phát triển hệ thống canh tác theo hướng bền vững và đa dạng hóa, đồng thời tăng cường chuỗi giá trị và hạt giống nhạy cảm về dinh dưỡng để đạt mục đích: Bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý bền vững đa dạng sinh học, đất và nước; phát triển các hệ thống hạt giống và chuỗi giá trị, đặc biệt là các loại cây trồng và giống bản địa; giảm thoái hóa đất và phục hồi đất, nếu cần; thực hành kinh tế tuần hoàn; các sáng kiến công và tư dành cho nông nghiệp tích cực với thiên nhiên.
Đối tượng hưởng lợi từ dự án là 300 hộ nông dân các dân tộc Dao, Thái, H’Mông ở hai tỉnh Lào Cai và Sơn La. Dự án đã tiến hành huy động nông dân và hình thành các  nhóm sản xuất nông nghiệp, bố trí đa dạng cây trồng, hướng dẫn thực hành canh tác, đánh giá thị trường sản phẩm, nâng cao kỹ thuật chăm sóc nông nghiệp, tri thức bảo vệ tài nguyên, môi trường cho người dân.
Cán bộ dự án tổ chức chia sẻ kỹ thuật với nông dân dân tộc Dao Đỏ tại SaPa (Lào Cai).
Bế mạc Hội nghị, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Dự án : “Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thông qua các giải pháp thân thiện với thiên nhiên để bền vững và linh hoạt hơn” đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp qua một năm triển khai, đem lại nhiều giá trị về kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, thiên nhiên, môi trường cho đồng bào các tỉnh Tây bắc của Việt Nam. Ông hi vọng dự án tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong năm tới và có tính bền vững về mọi mặt sau khi kết thúc.
Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu