An Ninh Nghề Cá – Bài Toán Khó Trên Biển Đông
Bên cạnh đó, về góc độ nghề cá, Biển Đông được xác định là một trong 64 hệ sinh thái biển lớn (large marine ecosystem – LME) của đại dương thế giới, là trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới với mức đa dạng sinh học cao cả về số loài, các hệ sinh thái và nguồn gen, kéo theo là nguồn lợi sinh vật biển phong phú với hơn 160.000 loài, bao gồm gần 10.000 loài thực vật và 260 loài chim biển. Trữ lượng các loài động vật biển ước tính khoảng 32,5 tỉ tấn, trong đó các loài cá chiếm 86% tổng trữ lượng. Biển Đông được xếp thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên thế giới về tổng sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm khoảng 6 triệu tấn, tương đương 10% tổng lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới và 23% tổng lượng hải sản đánh bắt ở châu Á. Đặc biệt, có 7 hệ thống đảo san hô quan trọng, quyết định tính bền vững của nghề cá khu vực Biển Đông, bao gồm quần đảo: Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas), Trung Sa (Macclesfield), Hoàng Nham (Scarborough), Nutuna và Anambas. Bảy hệ thống đảo san hô này chiếm vị trí chiến lược rất quan trọng và là nơi xảy ra các căng thẳng trong Biển Đông. Tuy nhiên, ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá.
Trên thực tế, môi trường Biển Đông đang bị “đầu độc” bởi nhiều nguồn thải khác nhau chưa được xử lý, trong đó có rác thải nhựa, chủ yếu từ nguồn đất liền (40 – 70%). Sự suy thoái, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài khiến cho ngư trường quan trọng bậc nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá. Bởi lẽ, mất rạn san hô (các hệ sinh thái biển) sẽ mất nguồn lợi thủy sản, sẽ mất “đầu vào” của nghề cá và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống ngư dân các nước. Từ năm 1960, số lượng các loài thủy sản trong Biển Đông đã liên tục suy giảm và khoảng 80% rạn san hô nằm trong tình trạng bị đe dọa, hơn 50% rừng ngập mặn bị phá hủy nghiêm trọng… khiến cho hàng trăm loài phải đã vào Sách Đỏ. Trữ lượng một số loài cá kinh tế như cá ngừ, cá thu và cá mập trong Biển Đông đã sụt giảm với tốc độ khó lường.
Nguyên nhân của sự mất an ninh nghề cá
Nghề cá ở Biển Đông không đơn giản chỉ là câu chuyện về “con cá và người đánh cá”, mà đã trở thành vấn đề “an ninh nghề cá” – một bộ phận của an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Nhưng hiện nay vấn đề mất an ninh nghề cá đang ngày một nghiêm trọng hơn, nguyên nhân là do:
Thứ nhất, do lượng chất thải đổ vào Biển Đông, bao gồm sự cố tràn dầu, vẫn tiếp tục gia tăng cho dù các nước trong khu vực đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng vẫn thiếu sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của các nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn thải như vậy.
Thứ hai, sự phát triển kinh tế ở vùng ven biển cũng đã lấy đi diện tích lớn rừng ngập mặn và thảm cỏ biển – là nơi cư trú tự nhiên của hàng nghìn loài thủy sản mặn – lợ. Đánh bắt cá quá mức và hủy diệt nguồn lợi hải sản liên quan tới đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) trong một vùng biển chồng lấn và có tranh chấp rất phức tạp trong Biển Đông. Đặc biệt, gần đây là các hoạt động của Trung Quốc mở rộng và tôn tạo các bãi cạn rạn san hô thành “đảo nhân tạo” ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam liên quan tới tham vọng chủ quyền nước lớn.
Thứ ba, do sự ấm lên của nước biển liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu ở Biển Đông cũng tác động đến các hệ sinh thái mà sinh kế của người dân phụ thuộc vào.
Tác động của những bất ổn về an ninh nghề cá đối với ngư dân
Ngư dân là những người chịu tác động trực tiếp và cuối cùng từ những bất ổn về an ninh nghề cá trong Biển Đông. Tác động bao trùm là nghề cá Biển Đông phát triển thiếu bền vững. Hơn 1,72 triệu tàu, thuyền đánh cá của các nước trong khu vực “đói nguồn lợi” và sẽ phải “gác tàu” lên bờ, đời sống của các ngff dân liên quan bấp bênh. Dự báo sinh kế của khoảng 22 triệu người ở các quốc gia ven Biển Đông bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia Philíppin, nghề cá trong khu vực bị thiệt hại hàng năm 4 tỉ USD liên quan tới việc tôn tạo hơn 1.300 ha đảo nhân tạo từ các bãi cạn đã nói trên. Đặc biệt, Luật hải cảnh của Trung Quốc ban hành ngày 22/01/2021 (có hiệu lực ngày 01/02/2021) không chỉ không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, mà còn cho phép lực lượng hải cảnh (Cảnh sát biển) nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài. Ngư dân các nước nhỏ trong khu vực sẽ là đối tượng của họ và khả năng xảy ra một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” đối với ngư dân trên Biển Đông. Những ngư dân này sẽ chịu cảnh “một cổ hai tròng”, vừa chịu tác động của thiên tai và nhân tai.
Vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân
Hội Nghề cá Việt Nam nhận thức rằng, ngư dân nước ta đã đồng hành với dân tộc, thì trong mọi tình huống Hội luôn đồng hành cùng ngư dân. Trong bối cảnh mới và phức tạp hơn ở Biển Đông, Hội Nghề cá Việt Nam sẵn sàng với tất cả kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất, để đề xuất các giải pháp bảo vệ kịp thời ngư dân khi bị đối xử vô nhân đạo, bảo đảm sinh kế bền vững để ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ chú trọng đến tăng cường vị thế, uy tín và đóng góp của Hội đối với kinh tế biển đất nước, ngành thủy sản và ngư dân thông qua đẩy mạnh hoạt động kinh tế và truyền thông. Hội tiếp tục chủ động đóng góp các sáng kiến và ý kiến tư vấn về các biện pháp để quản lý theo chuỗi trên cơ sở áp dụng “chuyển đổi số” trong các hoạt động: sản xuất và bảo quản sản phẩm thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản, quản lý nghề cá và kiểm soát các hoạt động tàu thuyền đánh cá trên biển…
Đặc biệt, trong bối cảnh cục diện tình hình Biển Đông vẫn “yên mà không ổn”, tiếp tục phức tạp và khó lường; luật lệ trên biển của các nước láng giềng có chiều hướng tăng nặng mức chế tài đối với hoạt động của ngư dân trên biển, trong đó có ngư dân Việt Nam… cũng đặt ra nhu cầu phải nhanh chóng thích ứng trong xây dựng và phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta. Chuyển từ “đối phó thụ động” sang “ứng phó chủ động” để duy trì chuỗi cung ứng thủy sản ở các cấp độ; gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh thực phẩm và sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển và trên các đảo.
Một số giải pháp giải quyết “bài toán khó” trên Biển Đông
Một là, ban hành chính sách đặc thù về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (Tam ngư) trong khuôn khổ chính sách “Nông dân, nông nghiệp và nông thôn” (Tam nông) để hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.
Hai là, đẩy mạnh phát triển nghề cá nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, bảo đảm thông tin liên lạc và giảm thất thoát sau thu hoạch, trong đó có công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Ba là, gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá với tổ chức lại đội tàu đánh bắt xa bờ quy mô lớn, đủ mạnh, đóng vai trò dẫn dắt; gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển để sớm chuyển từ thực tế “nông dân đánh cá” sang “công nhân đánh cá”.
Bốn là, tăng cường các giải pháp ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), kết hợp ưu tiên đẩy mạnh công tác bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên biển. Giảm cường lực đánh bắt kết hợp “đóng cửa luân phiên vùng biển” quy mô phù hợp để thực hiện tốt kiểm soát đầu vào – đầu ra (Input- Output Control) và tạo cơ hội hồi phục nhanh nguồn lợi.
Năm là, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi hải sản trên biển (Sea- culture), nuôi hải sản trên đất (Land-culture) với công nghệ tiên tiến, và khuyến khích phát triển nghề cá giải trí.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về khai thác hải sản ở nước ngoài, ưu tiên các nước ven biển trong khu vực, châu Phi, Nam Mỹ,…; chuẩn bị tiền đề cho phát triển nghề cá viễn dương để Việt Nam thực hiện quyền tự do đánh cá trên vùng biển quốc tế theo quy định cho phép của luật pháp quốc tế.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực trong đổi mới, sáng tạo các giải pháp, nghề cá sẽ đảm bảo an ninh, phát triển bền vững trong tương lai, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.