Bảo vệ môi trường biển Thanh Hóa: Thách thức và giải pháp

Tạp chí Biển Việt Nam - Vùng biển Thanh Hoá có diện tích 17.000 - 18.000km2, gấp 1,6 lần diện tích đất liền với đường bờ biển có dạng cánh cung dài 102km. Trước những tiềm năng và một số vấn đề còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, đòi các cấp chính quyền và nhân cần có nhiều giải pháp, kế hoạch dài hơi, mang tính đồng bộ, bền vững, phát huy những tiềm năng vốn có, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường biển.

Tiềm năng và thách thức

Biển Sầm Sơn được biết đến như là đầu tàu của ngành “công nghiệp không khói” tại xứ Thanh. Sầm Sơn nằm ở phía Đông, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 16 km, có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Với hệ thống bãi biển đẹp kéo dài 3,5 km, bằng phẳng, bãi cát mịn, nước trong xanh có nồng độ muối dưới 30%,… rất phù hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí nên từ lâu đã là khu nghỉ mát nổi tiếng của cả nước.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, lượng khách du lịch mỗi năm ngày càng tăng đặt ra những thách thức về môi trường, hệ sinh thái tại địa phương, trước mắt là đối với vấn đề rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải nhựa. Đặc biệt là bãi rác tại thành phố Sầm Sơn đã trải qua hơn 20 năm sử dụng, cùng diện tích đất chỉ có vỏn vẹn 2,7 ha phục vụ cho việc chôn lấp rác, khiến cho bãi rác này quá tải. Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa bãi rác Sầm Sơn vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh Sầm Sơn, Khu du lịch Hải Tiến được đánh giá là khu du lịch đầy tiềm năng với nhiều lợi thế khi mới khai thác với diện tích rất nhỏ. Biển Hải Tiến thuộc địa phận 4 xã Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh và Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) có đường bờ biển dài 12 km, đây là bãi biển dài nhất miền Bắc, nằm cách thủ đô Hà Nội 150 km và cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 20km. Xét về khoảng cách, Hải Tiến gần Hà Nội hơn so với thành phố Sầm Sơn. Về khách quan, việc thu gom và xử lý rác thải tại các xã vùng ven biển và trong khu du lịch vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nhận thức của người dân và du khách về bảo vệ môi trường, cũng như ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch vẫn chưa cao. Cộng với việc nằm ở ngay cửa sông Lạch Trường khiến hiện tượng bèo dạt bờ biển gây mất mỹ quan vẫn còn xảy ra.

Biển Sầm Sơn thu hút khách du lịch.

 

UBND xã Hoằng Trường cho biết, do Hoằng Trường có tới 3km bờ biển lại nằm ngay vị trí cửa sông nên hàng năm cứ mùa mưa lũ thì rác, cây cối từ thượng nguồn thậm chí cả bèo dạt vào bờ rất nhiều. Xã đã tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, định kỳ hàng tháng tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại tuyến đường 510b, đường 22m, nhất là tại khu vực bãi biển, bờ sông, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định.

Khác với Sầm Sơn và Hoằng Hóa, huyện Hậu Lộc không có lợi thế để phát triển du lịch biển, song huyện này lại có tiềm năng rất lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, với trên 763 ha diện tích mặt nước, có 12,4km bờ biển, 2 cửa lạch sông, 1 đảo đã tạo nên nhiều diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi các loài nhuyễn thể như: ngao, sò huyết, vẹm xanh, hàu… trong đó chủ lực là ngao trắng (Bến Tre), chiếm tới 90% sản lượng nuôi vùng triều của huyện. Do đó, bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm bền vững hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của nhân dân.

Theo đại diện UBND huyện Hậu Lộc chia sẻ, hiện trên địa bàn có 5 xã ven biển là Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, công tác bảo vệ môi trường biển tại các xã này vẫn là một vấn đề nan giải. Do vị trí địa lý các xã ven biển này nằm xen kẹp giữa hạ lưu của sông Lạch Sung và Lạch Trường, tạo ra một “dòng xoáy” quẩn rác từ thượng nguồn đổ về, đặc biệt giáp ranh 2 xã Đa Lộc và Hưng Lộc có cống Ba Gồ rác thường “xoáy” về nhiều ở đây. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân cũng phát sinh một lượng rác thải không nhỏ.

Được biết, định kỳ hàng tháng, huyện Hậu Lộc đã phối hợp với các đoàn thể, nhân dân, thường xuyên đôn đốc các xã, tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác ven biển, song với điều kiện thực tế về tự nhiên, cùng với khó khăn cả về ngân sách lẫn nhân lực khiến hiện tượng rác thải tồn đọng ven biển vẫn còn xảy ra.

Nhiều giải pháp được triển khai

Hàng năm, UBND huyện Hậu Lộc đã giao chỉ tiêu thu gom, xử lý CTR sinh hoạt và CTR nguy hại trên địa bàn huyện cụ thể cho từng địa phương; chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư và dọc tuyến đê biển. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các xã Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc chịu trách nhiệm quản lý và xử lý vệ sinh môi trường tại khu vực cửa cống Ba Gồ, Ba Bồ và dọc tuyến đê biển thuộc địa phận các xã.

Đồng thời, định kỳ hàng tháng, các xã ven biển tổ chức phát động các tầng lớp nhân dân bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn, các hộ dân, học sinh… trên địa bàn tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư và dọc tuyến đê biển. Hàng năm, ngoài nguồn kinh phí để bù cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải trong dân cư, UBND các xã ven biển còn phải dành một phần kinh phí để thu gom, xử lý rác thải phát sinh dọc tuyến đê biển.

Tại Sầm Sơn, công tác vệ sinh môi trường tại thành phố Sầm Sơn tiếp tục là vấn đề được quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhất. Từng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tổ chức bộ máy của thành phố xuống đến phường, xã, ngoài nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác BVMT còn tích cực vận động nhân dân ở địa bàn, khu phố mình phụ trách nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung: Không đổ rác thải, phế thải ra đường, bãi biển, nơi công cộng.

Thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh các bờ biển.

Để hoạt động BVMT đi vào nền nếp, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05, như: Phát động tổng vệ sinh trước, trong cơ quan, doanh nghiệp vào chiều thứ 6 và tổng vệ sinh khu dân cư vào sáng thứ 7 hàng tuần; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường… Nhiều hoạt động như hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới 5-6; Tuần lễ “Biển và hải đảo Việt Nam”; Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT cho Nhân dân và du khách; làm VSMT trên địa bàn, nhất là tại khu vực bãi biển phường Quảng Vinh, khu phố Vinh Sơn, khu bến thuyền phường Trung Sơn, khu vực bãi xe và đường đi lên hòn Trống Mái… Tổ chức ra quân “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, làm vệ sinh các tuyến đường thanh niên tự quản. Những hoạt động ý nghĩa có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân và khách du lịch về công tác bảo vệ môi trường biển, tác hại của rác thải nhựa.

Đối với vấn đề về bãi rác, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về việc quyết định đầu tư dự án “Xử lý triệt để môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn”. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do bãi rác gây ra, góp phần cải thiện điều kiện sống cho nhân dân khu vực xung quanh và vùng phụ cận, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế-xã hội, xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, hướng đến văn minh, hiện đại.

Tại Hoằng Hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh.

Thống kê cho thấy, hiện tại 37/37 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có phương án thu gom, ký kết hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom rác thải tại các xã, thị trấn đạt 98%. Đặc biệt, huyện đã thực hiện và duy trì hiệu quả mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” ở 37 xã, thị trấn; đồng thời trang bị được 62.689 thùng đựng rác các loại. Kết quả này đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về phân loại, tận dụng những rác thải nhóm hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, góp phần làm giảm lượng rác thải thu gom hàng ngày.

Qua rà soát, thống kê trong năm 2023 toàn huyện có 26.993/62.427 hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn, chiếm tỷ lệ 43,24%. Theo đánh giá từ ngành chức năng, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện không có các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, UBND huyện vẫn thường xuyên chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn nhằm siết chặt quản lý cũng như nâng cao ý thức, hiệu quả bảo vệ môi trường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong XDNTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trên địa bàn huyện. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Hoằng Lộc, Hoằng Thái); 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Giang, Hoằng Tân); 75 thôn, phố kiểu mẫu.

Theo lãnh đạo UBND xã Hoằng Tiến cho biết, là 1 trong 4 xã thuộc Khu du lịch Hải Tiến, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Tiến rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Xã đã giao cho Hội LH Phụ nữ thành lập tổ vệ sinh môi trường, thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải tại tuyến đường ven biển đoạn đi qua địa bàn xã. Bố trí hơn 600 thùng rác cho hơn 1000 hộ. Tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh tế, xã hội, sức khỏe con người.

Hoàng Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM