Bình Phước: Hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975-23/3/2024)

Tạp chí Biển Việt Nam - Là cửa ngõ kết nối giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia, tình Bình Phước không chỉ nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn sở hữu vị trí địa lý, chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh, giải phóng của nhân dân Nam Bộ khỏi áp đô hộ của kẻ thù.

Phong trào cách mạng tỉnh Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975)

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Hoa Kỳ tiếp tục âm mưu thôn tính Việt Nam bằng cách tập trung vào chính sách hợp tác giữa Washington, D.C. với chính quyền Ngô Đình Diệm. Động thái chia cắt đất nước, áp đặt chính quyền miền Bắc ra khỏi vòng pháp luật, đồng thời thi hành nhiều lệnh tiêu diệt nhân sĩ yêu nước khiến đất nước ta nói chung cũng như miền Nam nói riêng trải qua thời kỳ đen tối. Mặc dù bị địch phá hoại, Đảng bộ tỉnh Bình Long (nay là thị xã Bình Long nằm ở phía tây của tỉnh Bình Phước) và Phước Long (nay là thị xã Phước Long) vẫn duy trì và phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh Nhân dân. Chiến dịch Phước Long – Bình Long (1965) đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của kẻ thù, mở đường cho quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ của quân và dân miền Nam.

Đến những năm 1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ do Quân Giải phóng Miền Nam tiến hành ở khu vực miền Đông Nam Bộ đã giúp giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập khiến kẻ thù xâm lược thất bại, chấp nhận việc đàm phán. Sau khi ký kết Hiệp định Paris (1973), Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và Lộc Ninh cũng trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam. Sau ngày Sài Gòn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ địa phương quyết định chọn thời điểm “23/3” hằng năm là Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, kết thúc thăng trầm lịch sử của vùng đất này trong cuộc chiến tranh tàn khốc.

Bình Phước đã đạt được những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh sau 49 năm giải phóng.

Những thành tựu nổi bật của tỉnh Bình Phước sau 49 năm Ngày giải phóng

Gần 50 năm qua, tỉnh Bình Phước đã vượt qua những “vết thương” nặng nề từ hậu quả chiến tranh, hướng đến phát triển và xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Bất chấp những biến động thị trường cũng như diễn biến phức tạp từ kinh tế thế giới, nền kinh tế Bình Phước vẫn ghi nhận sự tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2023, kinh tế tỉnh phát triển ổn định với GRD bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng, tăng 9,53% so với năm 2022. GRDP đạt gần 55.000 tỷ đồng – tức tăng gần 8,34%, vượt kế hoạch ban đầu và cao hơn trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch với tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 23,84%, công nghiệp và xây dựng 43,38%, dịch vụ 32,78%.

Bình Phước tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất công nghiệp.

Tình hình ngân sách ổn định với tổng thu ngân sách đạt 84% dự toán, chi ngân sách đạt 108%. Chi đầu tư phát triển tăng đáng kể, đạt 159,91% dự toán, hỗ trợ nhiều dự án. Doanh thu dịch vụ và bán lẻ tăng 8,74%, đạt 70.741 tỷ đồng. Xuất khẩu tăng 8,6%, đạt 4 tỷ 180 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng 20,9%, đạt 2 tỷ 600 triệu USD. Hoạt động ngân hàng ổn định, với chương trình hỗ trợ lãi suất được triển khai. Dư nợ vay hỗ trợ lãi suất đạt 38.690 tỷ đồng, doanh số là 246.030 tỷ đồng, hỗ trợ chủ yếu cho doanh nghiệp. Đáng nói là tình hình lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,64%.

Năm vừa qua cũng ghi nhận việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.000 tỷ đồng, tỉ lệ tăng 9,4% so với năm trước đó. Khu vực nhà nước chiếm khoảng 13,97% cơ cấu vốn và 74,56% thuộc khu vực ngoài nhà nước, 11,47% từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 5.066 tỷ 774 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 90% so với kế hoạch. Việc tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư công thông qua tổ rà soát đầu tư công là một động thái tích cực, góp phần tối ưu hóa hiệu suất vốn.

Địa phương đã thu hút 45 dự án FDI, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ đối với vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối 2023, tổng số dự án FDI đạt 410 với số vốn đăng ký là 4.244,58 triệu USD, là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Sự tích cực trong hoạt động du lịch nội địa thể hiện qua việc có 821.200 lượt khách tham quan, tăng 13,65% so với năm 2022. Đây là dấu hiệu khả quan cho ngành du lịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư về giáo dục.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh đã thực hiện triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình và nội dung. Đồng thời, việc xây dựng trường và kiểm định chất lượng được thực hiện theo chuẩn quốc gia, đạt đến 100% kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học. Địa phương đã tạo mới việc làm cho 41.000 lao động, vượt 102,5% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng đạt 65%, và đào tạo nghề cho 10.000 lao động, đều đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và thể thao đa dạng, phong phú, nổi bật là việc đăng cai thành công nhiều giải thể thao lớn trong khu vực, cùng với đội tuyển thể thao tỉnh đạt được nhiều thành tích ấn tượng tại các giải cấp cụm, khu vực, quốc gia và quốc tế.

Tỉnh đã đầu tư nâng cao chất lượng y tế.

Nhằm phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua 49 năm giải phóng tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Bình Phước quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một Bình Phước đổi mới, hội nhập và phát triển.

Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu