Bình Thuận: Giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi

Tạp chí Biển Việt Nam - Mặc dù ban lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường không đúng quy định. Thế nhưng, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết khắp địa phương, phần lớn là do ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người rất kém.

Việc xả rác bừa bãi không chỉ làm mất vẻ đẹp mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhiều chương trình, giải pháp vận động người dân hành động vì một môi trường xanh sạch đẹp đã được diễn ra, mang lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận người dân vẫn còn xả rác bừa bãi, ảnh hưởng môi trường sống của người dân. Điển hình là một số con đường ở TP. Phan Thiết như Lê Duẩn, Nguyễn Thông, Hải Thượng Lãn Ông, Mậu Thân, Tuyên Quang, khu bờ kè đường Phạm Văn Đồng và nhiều tuyến đường khác, không khó để bắt gặp những đống rác thải từ nhỏ đến lớn tràn lan trên mặt đường, thậm chí rác còn được ném xuống sông Cà Ty.

Tình trạng xả rác bừa bãi trên cầu Phú Long Ảnh: BTO

Xả rác bừa bãi gần như là một thói quen xấu khó bỏ của không ít người dân. Do vậy, cùng với giáo dục, tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống thì việc tăng mức xử phạt để thức tỉnh, răn đe những người cố tình vi phạm là điều rất cần thiết. Từ ngày 25/8, Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực với những quy định chặt chẽ về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả…

Theo đó, nghị định này thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021. Các hành vi sẽ bị xử phạt ngay theo Nghị định 45 và mức phạt gồm: Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch… sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.

Các bức họa ở Bình Thuận nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải. Ảnh: BTO

Song song với đó, luật đã có nhưng để nó thực sự trở thành biện pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi thì vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải nghiêm túc, cứng rắn hơn. Có như thế thì luật mới phát huy tác dụng, đủ sức để răn đe những hành vi sai phạm.

Ngọc Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu