Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức Khoa học và Công nghệ

Tạp chí Biển Việt Nam - Nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong triển khai công tác phổ biến kiến thức - nhiệm vụ cốt lõi của hệ thống, sáng ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các Tổ chức Khoa học và Công nghệ”.

 

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội, chia sẻ: Là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức KH&CN, trong những năm vừa qua, VUSTA đã không ngừng đẩy mạnh công tác tập hợp trí thức và phát huy tiềm năng trí tuệ của trí thức KH&CN tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tạo môi trường thuận lợi trí thức có điều kiện tham gia vào xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triên công nghệ, ứng dụng vào sản xuất và đời sống thông qua việc thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc là một trong những hoạt động tích cực của VUSTA. Tính đến ngày 30/11/2024, Liên hiệp Hội Việt Nam có 575 tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch.

PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo.

Các tham luận của đại biểu cho thấy, nhìn chung, các tổ chức KH&CN đã tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc trực tiếp xây dựng mô hình, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho người dân, trực tiếp thực hiện nhiều dự án BVMT, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…). Các tổ chức KH&CN trực thuộc đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Lâm nghiệp và các dự thảo Nghị định, thông tư liên quan đến khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các Chương trình, Chiến lược về tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững…

ThS. Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam điều hành thảo luận.

Thông qua các tạp chí, bàn tin, website các tổ chức KH&CN trực thuộc đã thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN. Liên hiệp Hội Việt Nam, các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã in ấn và phát hành nhiều loại hình ấn phẩm, sản phẩm truyền thông; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ cho người dân trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt chú trọng vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, các tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, người nông dân. Hình thức tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực khá phong phú: tự nghiên cứu, thiết kế chương trình và trực tiếp tuyển sinh; liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo dạy nghề của cơ quan nhà nước, trong đó có những đơn vị rất có uy tín, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí, các kỹ năng mềm,…

Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay đã được đại biểu chia sẻ tại Hội thảo, đặc biệt là các tham luận như: “Truyền thông xã hội trong kỷ nguyên số & Giải pháp vận dụng các phương tiện truyền thông xã hội hiệu quả cho doanh nghiệp”, “Hướng đến một xã hội hòa nhập, không rào cản với người khuyết tật”; “Hoạt động Truyền thông và Phổ biến kiến thức trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã”; “Giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã”​.

Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN: Nhiều nội dung khoa học vẫn còn khô khan, thiếu sự sáng tạo và không phù hợp với trình độ tiếp nhận của công chúng. Thông tin chưa đa dạng, phạm vi thông tin còn tập trung vào một số lĩnh vực hẹp, chưa khai thác toàn diện các lĩnh vực khoa học khác nhau. Chất lượng thông tin không đồng đều, một số nội dung chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng, thiếu tính chính xác, hoặc sử dụng thuật ngữ phức tạp. Phương thức truyền thông còn chưa tận dụng tốt công nghệ hiện đại, việc ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, và các công cụ truyền thông số còn hạn chế. Các phương pháp truyền thống như hội thảo, phát hành tài liệu vẫn chiếm ưu thế, thiếu sự đổi mới trong cách tiếp cận như làm video, đồ họa thông tin (infographic), hay trò chơi hóa (gamification).

Bên cạnh đó là vấn đề thiếu nhân lực chuyên nghiệp, đội ngũ làm công tác truyền thông KH&CN thưởng không được đào tạo bài bản về truyền thông hoặc kỹ năng tương tác với công chúng. Nhiều tổ chức KH&CN không có nguồn tài chính đủ để thực hiện các hoạt động truyền thông bài bản, liên tục và quy mô lớn. Chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan. Chưa có chiến lược truyền thông bài bản, nhiều tổ chức thực hiện truyền thông một cách tự phát, thiếu kế hoạch dài hạn và định hướng rõ ràng. Khoa học vẫn còn được coi là xa lạ, khó hiểu đối với nhiều người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Các chương trình giáo dục và phổ biến kiến thức KH&CN còn chưa được triển khai rộng rãi và đồng bộ,…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN, các ý kiến thảo luận tập trung và các giải pháp: Xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện; Ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cả nhân hóa nội dung, dự đoán xu hướng quan tâm và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch; Phát triển đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng truyền thông, kết hợp chuyên gia đa lĩnh vực; Tăng cường hợp tác với các đối tác, các cơ quan báo chí; Tập trung vào truyền thông sáng tạo. Đồng thời thực hiện đánh giá hiệu quả và cải tiến nội dung, phương thức truyền thông và thu thập phản hồi từ công chúng.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp không chỉ giúp tổ chức KH&CN cải thiện hiệu quả truyền thông mà còn nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với khoa học và công nghệ./.

Thu Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu