Công ước Luật Biển năm 1982: Cơ sở quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Căn cứ vào quy định về Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “quyền phát hiện”, Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “kế cận địa lý” trong UNCLOS 1982 thì Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước xung quanh.

Với mong muốn giải quyết các vấn đề trên biển trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, ngày 10/12/1982, Liên Hợp quốc đã ký kết Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (gọi tắt là UNCLOS). Đây không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng có giá trị phổ quát, giúp thiết lập trật tự trên biển và giải quyết các vấn đề trên biển một cách công bằng, hòa bình mà Công ước còn mang giá trị định hướng tương lai và hướng đến mục tiêu phát triển ổn định, bền vững của toàn nhân loại. Cho đến nay, đã có 167 quốc gia tham gia vào Công ước này trong đó có Việt Nam.

Phiên họp toàn thể Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS).

UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, cùng 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế. Với những quy định rất cụ thể về phương pháp xác định phạm vi không gian của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng để Việt Nam xác định và củng cố chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước trên khu vực Biển Đông. Do đó, việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước trên biển hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ chung của cộng đồng quốc tế.

Đối với tranh chấp về việc xác định ranh giới biển, thềm lục địa thì UNCLOS lại không có cơ chế hay quy định để giải quyết tranh chấp về vùng chồng lấn giữa các quốc gia đối diện hoặc liền kề. Thêm vào đó, các quy định trong Phần XV – Giải quyết tranh chấp nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982. Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phải có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan. Do đó, Việt Nam cần dựa vào UNCLOS 1982 để xác định ranh giới các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Việt Nam là một quốc gia biển với hơn 3.260 km đường bờ biển. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được quy định chi tiết trong Luật Biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là những cơ sở pháp lý rõ ràng và chắc chắn để Việt Nam xác định ranh giới các vùng biển của mình trên Biển Đông và những khu vực chồng lấn với yêu sách của các nước khác trong khu vực.

UNCLOS 1982 cũng là cơ sở để Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước xung quanh. Căn cứ vào quy định về Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “quyền phát hiện”, Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “kế cận địa lý” trong UNCLOS 1982 thì Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước xung quanh.

 

Vì vậy, để củng cố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam cần thu thập và lưu trữ đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý phù hợp với thông lệ chung của cộng đồng quốc tế nhất là quy định của UNCLOS 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình với các đảo và vùng biển trên Biển Đông. Đây cũng là căn cứ, cơ sở để Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay. Thực tế, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử về việc phát hiện và chiếm hữu thật sự đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nước trên khu vực Biển Đông là chắc chắn, có cơ sở lịch sử và pháp lý không thể bác bỏ.

Ngoài ra, UNCLOS 1982 còn là cơ sở pháp lý để Việt Nam đấu tranh bác bỏ những yêu sách phi lí trên Biển Đông nhất là yêu sách đường lưỡi bò (hay còn gọi là đường 9 đoạn). Yêu sách đường lưỡi bò chiếm tới 80 – 90% khu vực Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, yêu sách này đưa ra không có cơ sở pháp lý cũng như lịch sử. Vì vậy, muốn phản bác yêu sách này, Việt Nam cần dựa vào luật pháp quốc tế trong đó căn cốt là UNCLOS 1982.

Dựa trên các nguyên tắc mà UNCLOS 1982 đưa ra về việc xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không tuân thủ nguyên tắc của UNCLOS 1982, do đó yêu sách này hoàn toàn không phù hợp luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Và trên thực tế, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách này trong phán quyết đưa ra vào năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982.

Đối với các khu vực chồng lấn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, chúng ta cần tìm kiếm giải pháp ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi lẽ UNCLOS 1982 không có những quy định về việc giải quyết các tranh chấp đối với vùng chồng lấn giữa các quốc gia cho nên các nước phải tìm giải pháp bằng con đường đàm phán, thương lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý việc đàm phán, thương lượng để giải quyết tranh chấp và phân giới trên biển cần tuân thủ các nguyên tắc mà UNCLOS đưa ra, đặc biệt là quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thực tế”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế về biển nhất là UNCLOS 1982; đồng thời, phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. COC sẽ góp phần củng cố cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các nước trên khu vực Biển Đông.

Chiến sỹ hải quân canh gác bên cột mốc chủ quyền trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa.

Tóm lại, đối với việc giải quyết tranh chấp Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển, quan điểm của Việt Nam là kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là UNCLOS 1982. Đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ nghiêm túc UNCLOS 1982 cũng như DOC; kêu gọi các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết COC; ủng hộ mạnh mẽ vai trò của ASEAN trong nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Dona Đoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu