Đặc sắc lễ hội cầu ngư ở làng biển 400 tuổi

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 5/2 (tức Rằm tháng Giêng), tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) lễ hội cầu ngư được tổ chức long trọng nhằm cầu một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”.
Từ sáng sớm, đông đảo ngư dân, người dân khắp mọi miền đất nước tề tựu về xã Cảnh Dương để kịp tham gia lễ cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Trước khi vào lễ chính, ban tổ chức làm thủ tục rước Thần Hoàng về dự lễ cầu ngư ở đình thờ tổ. Tiếp đó là nghi lễ rước kiệu Thần Hoàng từ đình thờ tổ về miếu Linh Ngư. Tại đây sẽ diễn ra phần lễ quan trọng nhất là dâng hương và đọc văn tế do một vị cao niên được người dân trong làng tín nhiệm thực hiện.
Các nghi thức được tổ chức long trọng theo truyền thống của địa phương.
Người dân Cảnh Dương cho rằng: “Ngư Linh miếu” và lễ cầu ngư là những điểm tựa tinh thần vững chãi để ngư dân an tâm vươn khơi. Ước mơ về một cuộc sống ấm no với những chuyến tàu đầy ắp tôm cá được gửi gắm trong những lời khấn đầu năm.
Điệu hò chèo cạn do các lão ngư đảm nhận là phần không thể thiếu trong lễ cầu ngư. 13 lão ngư trong làng được chọn lựa để thực hiện điệu hò. Họ đứng thành hai hàng dọc, mặc áo quần bà ba màu sắc sặc sỡ, đầu quấn khăn màu, lưng thắt dải lụa, tay cầm mái chèo, nhìn rất đẹp và khỏe khắn.Trong đó, 6 người được xếp vai bạn thuyền chèo chiếc thuyền tượng trưng hướng ra khơi. Những người còn lại trong vai đội cờ dẫn thuyền.
Theo ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương: “Lễ cầu ngư ở Cảnh Dương độc đáo, khác biệt hơn so với các vùng biển khác. Lễ được diễn ra thường niên, mang ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước nói chung, tình yêu biển đảo nói riêng.”
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Trạch dự lễ dâng hương tại đền Ngư Linh Miếu.
Lễ cầu ngư khép lại cũng là lúc diễn ra phần phát động lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới. Lồng ghép trong lễ phát động là loạt trò chơi, trình diễn nghệ thuật đặc sắc như đua thuyền, lắc thúng, đan lưới, hội thi ẩm thực, bóng đá… Không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong xã mà lễ cầu ngư, lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản đầu năm còn thu hút đông đảo người dân mọi nơi. Đây là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa ngư dân của các địa phương với nhau.
Cảnh Dương là một trong “bát danh hương” của Quảng Bình xưa. Vùng đất địa linh nhân kiệt với lịch sử hình thành gần 400 năm này vốn là làng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Lễ hội cầu ngư tại đây vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, vừa mang tính vùng miền của ngư dân địa phương. Lễ hội còn tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn, làm giàu cũng như phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta.
Hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa chèo bông cạn.
Cùng với nhiều làng biển tại các nơi như Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, cư dân xã Cảnh Dương có tập quán, tín ngưỡng tôn thờ cá voi. Lịch sử làng Cảnh Dương ghi lại, năm 1809, cá bà dạt vào bờ biển Cảnh Dương rồi được người dân đưa vào miếu thờ. Năm 1907, một con cá voi gọi là cá ông dạt vào bờ biển xã này và cũng được người dân rước vào miếu Linh Ngư. Theo nghiên cứu, hai bộ xương cá được thờ ở miếu Linh Ngư lâu đời nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m.
Trong tiềm thức người dân địa phương, cá voi không ít lần trợ giúp tàu thuyền của ngư dân trong làng vượt qua gió bão biển khơi. Việc lập miếu thờ thể hiện lòng kính trọng của người dân đối với loài cá “thiêng” này. Ngư dân còn gọi loài cá này bằng những cái tên thành kính khác như: cá ông, cá ngài, đức ngài hay đức ông Nam Hải… Ngoài ra, xã Cảnh Dương còn xây dựng nghĩa địa cá voi cho hơn 23 cá cô, các cậu đã dạt vào làng trong nhiều năm qua.
Ngoài lễ hội cầu ngư, Cảnh Dương còn nổi tiếng với cung đường bích họa, tục truyền lửa vào đêm giao thừa, các làng nghề truyền thống. Xã Cảnh Dương đang từng bước hoàn thiện và phát huy tốt hơn những tiềm năng sẵn có góp phần đưa du lịch Quảng Bình đến gần hơn với bạn bè cả trong và ngoài nước.
Lan Nhi - Hồng Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu