Đất và người Lý Sơn

Tạp chí Biển Việt Nam - Sau những giờ hành trình mệt nhoài, đón chúng tôi ở cảng Lý Sơn là nụ cười thật tươi của một chàng trai nhỏ nhắn có nước da khá sẫm màu, đặc trưng người vùng biển. Cái tên "Thiệt" của em cộng với nụ cười tươi tắn đã tạo cho chúng tôi cảm giác thân thiết ngay từ khi mới gặp...
Suốt những ngày trên đảo Lý Sơn, chúng tôi được Thiệt hướng dẫn tham quan những cảnh đẹp độc đáo đến khó tin, thưởng thức những món hải sản tuyệt vời giữa không khí trong lành và thiêng liêng nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Hùng vĩ và thiêng liêng – Đảo Lý Sơn
Dùng từ ngữ để miêu tả cảnh đẹp của Lý Sơn là rất khó, chỉ có thể đến tận nơi này để tận mắt thấy vẻ đẹp bình yên, thuần khiết nhưng vô cùng hùng vĩ và thiêng liêng của đảo Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn rộng chừng hơn 10,3 km2 gồm ba đảo là đảo Lớn (Cù Lao Ré), đảo Bé (đảo An Bình) và hòn Mù Cu. Được tách từ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn chính thức được thành lập vào ngày 01/01/1993.
Cột cờ trên đảo Lý Sơn
Theo nghiên cứu, cách đây khoảng 3.000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Trên đảo có hai dòng suối nước ngọt cổ, suối Chình và suối Ốc là nơi quần cư của cư dân xưa. Các lớp cư dân Sa Huỳnh – Chăm Pa – Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy.
Khám phá Lý Sơn, khách được trải nghiệm danh thắng kỳ thú là đỉnh núi Thới Lới, đây là đỉnh núi cao nhất trong 5 hòn núi trên đảo. Những hòn núi này là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Đỉnh núi Thới Lới có hồ nước ngọt rất rộng, cung cấp nước ngọt cho cả đảo Lớn và đảo Bé. Những dải cỏ trải dài theo ven hồ là địa điểm lý tưởng để người dân trên đảo chăn thả gia súc.
Trên đường lên đỉnh Thới Lới là cột cờ Tổ quốc được khởi công xây dựng từ năm 2013, cột cờ có chiều cao 20 m mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Sử sách ghi lại, thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong lập Hải đội Hoàng Sa và Lý Sơn chính là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Đến nay, người dân đảo Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đây là lễ hội đặc biệt, thường niên của người dân huyện đảo nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã vượt sóng gió, ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc, khẳng định  chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Toàn bộ khung cảnh của Lý Sơn được thu gọn trong tầm mắt khi nhìn từ đỉnh núi Thới Lới. Khung cảnh tuyệt vời được kết hợp hài hòa giữa màu xanh mướt của cây cối, màu trắng của cát biển và màu xanh bát ngát của đại dương…, tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên dung dị, bình yên đến lạ kỳ.
Núi Thới Lới trên đảo Lý Sơn
Phía dưới chân núi Thới Lới là hang Câu. Hang được hình thành từ hàng ngàn năm trước do sóng, gió, nước biển, bào mòn và nham thạch xâm thực sâu vào lòng núi. Khung cảnh ở đây còn hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn khách thăm. Người dân Lý Sơn thường xuyên đến đây câu cá và dưới đáy biển ở đây cũng có rất nhiều rau câu nên có lẽ thế mà hang này có tên là hang Câu.
Trong quần thể dãy núi Thới Lới có Chùa Hang nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở đây. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật, quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm.
Chùa có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự được tạo dựng cùng với việc mở đất khẩn hoang lập làng của những cư dân thời vua Lê Kính Tông. Họ là những người dân ở vùng Sa Kỳ, An Hải của huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Lúc ấy khí hậu và nạn giặc đã gây rất nhiều khó khăn cho cư dân Việt. Hiện nay những di tích như Chùa Hang, miếu Nàng Roi… cho thấy sự chiến đấu ngoan cường đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ đảo của nhiều thế hệ người dân Lý Sơn.
Đến Lý Sơn, các bạn trẻ không thể bỏ qua một địa điểm được rất nhiều người ưa thích và những đôi yêu nhau thường tới chụp hình vào lúc hoàng hôn. Đó là cổng Tò Vò, kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng trên đảo Lý Sơn. Chính nham thạch từ hệ thống núi lửa ngầm của đảo Lý Sơn sau khi rơi xuống biển và đông lại theo thời gian đã tạo nên cổng Tò Vò như bây giờ.
Vào buổi hoàng hôn, khi mặt trời dần lặn sau những ghềnh đá sẽ mang đến vẻ đẹp huyền bí. Từ điểm tham quan này phóng tầm mắt ra xung quanh, hòa vào ánh chiều tà còn có hình ảnh những chiếc thuyền chài vô cùng yên bình, thơ mộng. Những rạn san hô chết nằm trên bãi đá giữa biển tạo nên vẻ đẹp rất khác biệt cho Lý Sơn.
Cánh đồng tỏi trên đảo
Khách tới Lý Sơn cần dành một ngày để khám phá đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đẹp hài hòa như một bức tranh được tạo hóa sắp đặt rất khéo léo. Đảo Bé nằm cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý. Đảo này có diện tích khá nhỏ khoảng 0,69 km2 với hơn trăm hộ dân sinh sống nhưng thu hút khách thăm bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, bình yên. Những bãi biển quanh đảo có màu xanh như ngọc, trong vắt, bãi cát trắng trải dài. Bãi biển đảo Bé  được ví như Maldives.
Ở Lý Sơn có ba đèn biển là đèn biển Lý Sơn, đèn báo cảng Lý Sơn, đèn báo bãi cạn Lý Sơn. Trong số này, đèn biển Lý Sơn nằm ở phía đông đảo cao 45m, được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1898.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ của những con sóng, những ngọn núi, những tuyệt tác của tạo hóa thì Lý Sơn còn toát lên vẻ đẹp của một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và nơi đây còn có những con người bình dị, thân thiện nhưng can đảm, mãnh liệt và kiên cường.
Bình dị, kiên cường người Lý Sơn
Đến Lý Sơn, ấn tượng ban đầu là sự thân thiện của người dân. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, khách đều nhận được sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của người dân nơi đây. Ở đây không có chuyện “chặt chém” hay khó chịu với khách khi mua bán hàng hóa, ăn uống hay dùng dịch vụ.
Đặc biệt, có khách còn kể, người dân Lý Sơn khi đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt rất nghiêm. Thế nhưng nếu khách du lịch quên đội mũ, thì các chiến sĩ CSGT chỉ nhắc nhở khách phải đội mũ để đảm bảo  an toàn cho chính bản thân và sẽ không bị xử phạt.
Trở lại với bạn tài xế taxi kiêm hướng dẫn viên du lịch tên Thiệt, một chàng trai gốc Lý Sơn, rắn rỏi, nhanh nhẹn đầy sức sống và thân thiện. Trong những ngày cùng nhau rong  ruổi, Thiệt chia sẻ khá nhiều về cuộc sống từ trước tới nay. Em chân thành như chính cái tên của em.
Chùa Hang trên đảo Lý Sơn
Thiệt kể với chúng tôi, gia đình em vốn làm nghề biển từ đời ông cha, giống như nhiều gia đình ở Lý Sơn. Nghề đi biển trong đó có việc lặn biển từ nhiều đời nay đã mang lại cho ngư dân nơi đây cuộc sống ở mức khá nhưng thực sự nó cũng là công việc vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và mạng sống nếu không may mắn gặp nạn. Thiệt kể rằng em đã theo cha đi biển từ khi 16 tuổi và có rất nhiều kinh nghiệm đi biển, đặc biệt là nghệ lặn biển.
Việc lặn biển bắt hải sâm, san hô và hải quỳ… đem lại thu nhập khá cao cho người dân biển Lý Sơn. Khoảng năm 2010 Thiệt được chủ tàu tận Tiền Giang thuê đi lặn bắt hải sâm ở khu vực biển của Úc (Australia) trong khoảng 16 ngày với thù lao hơn 100 triệu đồng. Hiện tại mỗi chuyến đi biển chừng một tháng cũng đem lại thu nhập cho ngư dân từ 20 – 40 triệu đồng tùy theo sản lượng từng chuyến, cá biệt có chuyến thu nhập đến 50 triệu đồng nhưng cũng có chuyến chỉ được hơn 10 triệu đồng. Có nhiều chuyến đi xa tận vùng biển miền Bắc để bắt những con cá mú trong hang, nặng hàng chục cân.
Đi biển là niềm vui, là ham mê lại có thu nhập tốt nhưng thực sự rất nguy hiểm. Thiệt kể, nhiều chuyến đi đánh bắt gần ngư trường Hoàng Sa, gặp tàu nước ngoài họ đe dọa ghê gớm lắm. Chỉ huy tàu của họ tử tế thì họ chỉ xua đuổi, gặp chỉ huy ác là họ đập phá và thu thiết bị và dụng cụ trên tàu của mình thậm chí đánh đập ngư dân. Thường khi thấy tàu của họ là ngư dân mình cứ quay đầu chạy cho lành.
Nguy hiểm hơn của việc lặn biển là độ sâu khi lặn thường từ 50 -70 m, ngư dân tự bơi ngược lên từng tầng khoảng 10 mét, mỗi tầng nghỉ khoảng 5-7 phút, cho đến khi tiếp cận mặt nước. Một ngày lặn nhiều ca không may hệ thống máy nén khí đặt trên tàu cá gặp trục trặc thì hậu quả tai nạn là tàn phế do liệt não, tổn thương tủy sống, điếc do thủng nhĩ, tiêu xương do nhồi máu tủy xương, trầm cảm… Thiệt cho biết, ở đảo không ít người bị nạn liệt nửa người do lặn quá sâu, dù đi khắp nơi nhưng cũng không chữa trị được.
Cổng Tò Vò, một thắng cảnh của Lý Sơn
Trên đường đưa chúng tôi đi khám phá, qua vài khu nghĩa địa, lướt thấy nhiều bia mộ ghi năm sinh của người đã khuất còn rất trẻ, họ sinh những năm 80. Thắc mắc với Thiệt  thì em nói, đúng đó anh, những người đã mất đó còn rất trẻ, đa số họ mất do đi biển đó anh.
Người dân đảo Lý Sơn đời này nối tiếp đời kia, chỉ biết dựa vào biển để mưu sinh, họ chấp nhận sinh nghề tử nghiệp với biển. Biển nuôi họ sống và cũng ôm họ vào lòng. Biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mà đã trở thành một phần hồn cốt của họ.
Tôi hỏi Thiệt, sao không đi biển mà chuyển sang làm dịch vụ du lịch, Thiệt nói nghề biển thu nhập cao gấp đôi thu nhập hiện nay nhưng từ khi lấy vợ sinh con, Thiệt đành không  đi biển mà dồn tiền mua xe ô tô làm du lịch để gần vợ con và cũng bớt nguy hiểm. Cả xóm nhà Thiệt mọi người vẫn đi biển, chỉ có Thiệt và anh trai đang làm dịch vụ du lịch.
Ở Lý Sơn người dân cũng làm nông nghiệp nhưng không nhiều do diện tích đất hạn hẹp. Ở đây có sản phẩm nổi tiếng là “tỏi cô đơn”. Những mảnh đất trồng ngô, trồng tỏi, trồng dưa hấu… được quy hoạch gọn gàng cũng tạo nên một khung cảnh hài hòa cho vùng quê miền biển.
Vị mặn của biển và sự chịu thương, chịu khó của ngư dân Lý Sơn đã tạo nên nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với biển cả với sóng gió. Người dân Lý Sơn đang ngày đêm cần mẫn làm việc trên mảnh đất tiền tiêu, kiên cường trên những con tàu vượt sóng ra khơi phát triển kinh tế xây dựng quê hương và tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Tiến Mạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu