Độc đáo thú chơi cây mini trong bình thủy tinh

Tạp chí Biển Việt Nam - Những khu vườn có hệ sinh thái thu nhỏ nằm gọn trong tủ kính, thường gọi là Terrarium đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng và theo đuổi.

Ra đời vào những năm 1800 với tên gọi ban đầu là Wardian Case, Terrarium được ưa chuộng tại các nước châu Âu và lan rộng ra thế giới.

Terrarium là thuật ngữ dùng để chỉ hệ sinh thái mô phỏng môi trường tự nhiên gồm đất, nước, không khí, sỏi, cây và có thể là động vật, được tách biệt với không gian bên ngoài bởi bình thủy tinh hoặc lồng kính trong suốt.

Các bình Terrarium như đựng cả khu rừng nguyên sinh.
Các bình Terrarium như đựng cả khu rừng nguyên sinh.

Tại Việt Nam, nghệ thuật Terrarium hiện nay vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn trong cộng đồng người yêu thích cây xanh.

Dành phần lớn không gian trong ngôi nhà của mình cho cây cỏ, rong rêu và các nguyên liệu để làm Terrarium, hàng ngày anh Khương Quốc Trung (Hà Đông, Hà Nội) miệt mài, tỉ mỉ trong các công đoạn để tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Các bước làm bể Terrarium cũng rất cầu kỳ và yêu cầu cao sự tỉ mỉ.
Các bước làm bể Terrarium cũng rất cầu kỳ và yêu cầu cao sự tỉ mỉ.

Theo anh Trung, Terrarium được chia thành hai loại chính là trồng cây trong bình kín và trồng cây trong bình hở.

“Đối với loại bình hở, việc tưới tắm và chăm sóc như cây cảnh bình thường. Với những bình có rêu, người chơi nên phun sương hàng ngày giữ ẩm, còn những loại ưa khô như sen đá thì 1 tuần chỉ nên tưới 1 – 2 lần. Đối với bình kín thì dễ chăm sóc hơn nhiều, chỉ 4 – 5 tháng, người chơi mới cần mở nắp lọ ra và phun sương một lần. Những hơi nước sẽ đọng lại trong thành bình và sẽ giữ cho cây luôn tươi tốt”, anh Trung cho biết.

Terrarium có 2 loại là bình kín và bình hở.
Terrarium có 2 loại là bình kín và bình hở.

Để làm một tác phẩm Terrarium cần những nguyên liệu đơn giản như gỗ lũa, đá, các bức tượng nhỏ, sỏi suối, rêu, các loại thực vật nhỏ…Cây trồng trong Terrarium phổ biến là rong rêu, sen đá, dương xỉ…bởi chúng là loại cây dễ sống, có tốc độ phát triển chậm, giàu sức sống. Hỗn hợp đất là than bùn, đá vermiculite, đá perlite, sỏi, xỉ than, đá núi lửa, than hoạt tính…

Đất, sỏi, cây và có thể là động vật là những nguyên liệu làm nên bình Terrarium
Đất, sỏi, cây và có thể là động vật là những nguyên liệu làm nên bình Terrarium

Đặc biêt, bộ môn nghệ thuật Terrarium đòi hỏi người thợ làm nghề cần phải có kiến thức cả về thẩm mỹ, sinh học và sự khéo léo, tỉ mỉ để xây dựng một hệ thống sinh thái độc đáo và hút mắt.

“Terrarium dễ bị lên nấm mốc nếu đất có vi khuẩn gây bệnh. Chính vì vậy, nhiệt độ phải duy trì trong khoảng 25-28 độ C, độ ẩm từ 80-90 % và ánh sáng dùng đèn led và thắp sáng từ 6-8 tiếng mỗi ngày, có như vậy cây mới sinh trưởng và phát triển tốt”, anh Trung nói.

Tuổi thọ của bình Terrarium phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc, sự tỉ mỉ và cẩn thận của người chơi.
Tuổi thọ của bình Terrarium phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc, sự tỉ mỉ và cẩn thận của người chơi.

Terrarium có nhiều kích thước, loại lớn cỡ 1-2m để trang trí phòng khách, phòng ngủ. Loại vừa cỡ vài chục cm đặt trên bàn học, bàn làm việc; thậm chí có cả những Terrarium chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, người chơi có thể mang theo bên mình. Tùy vào kích thước, yêu cầu và độ phức tạp mà giá dao động cho một bể terrarium từ vài trăm cho đến vài triệu đồng.

Rêu phong tạo nên sự xanh mát tự nhiên cho bình Terrerium.
Rêu phong tạo nên sự xanh mát tự nhiên cho bình Terrerium.

Những khu vườn mini trong bình thủy tinh xuất hiện phổ biến trong vài năm trở lại đây. Ngoài tính thẩm mỹ, Terrarium còn phù hợp với bất cứ không gian nào. Không cần chăm sóc quá nhiều, một bình Terrarium có thể sống sót trong nhiều năm, thậm chí vài chục năm. Hiện nay, nhiều người đã tìm đến thú chơi này như một cách để yêu thiên nhiên, yêu không gian xanh.

Duy trì độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ là việc quan trọng nhất khi chơi Terrarium.
Duy trì độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ là việc quan trọng nhất khi chơi Terrarium.

“Thú chơi Terrarium khá hay bởi mỗi người có thể tự tay tạo ra những hệ sinh thái xanh và sinh động ngay trong những chiếc hộp gọn gàng, thỏa mãn niềm đam mê thiên nhiên khi sống ở không gian đô thị chật hẹp”, chị Lã Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Nguyễn Tiến Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu