40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):
Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu: Vì một Cô Tô xanh
Nhiều mô hình, cách làm hay
Ngày 1/11, huyện Cô Tô tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện đề án dưới sự chủ trì của ông Đặng Quang Ngạn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện để rút ra những bài học, tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của các đơn vị tại hội nghị, sau 2 tháng triển khai thực hiện đề án, toàn huyện Cô Tô đã thu gom được gần 3 tấn túi ni lông khó phân hủy, dần chuyển sang sử dụng túi thân thiện với môi trường.
Điều đặc biệt là ngành giáo dục huyện đã góp phần không nhỏ vào kết quả trên. Vì thế, trong kết luận hội nghị, ông Đặng Quang Ngạn có yêu cầu chú trọng hơn nữa công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các nhà trường, hình thành nếp sống, nếp sinh hoạt văn minh cho các thế hệ học sinh…
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng được Thường trực Huyện ủy yêu cầu tiếp tục chỉ đạo và duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình trong trường học; chỉ đạo cán bộ, giáo viên và học sinh sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và trong nhà trường.
Trong vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, khoảng 1.000 bãi đá ngầm; được chia thành hệ thống các đảo ven bờ và hệ thống các đảo xa bờ.
Đến Cô Tô, nhất là các trường học trong những ngày này mới thấy rõ điều đó, nó hoàn toàn không phải là những con số trong báo cáo. Từ người cán bộ, nhân viên đến giáo viên và học sinh các trường, ai nấy đều hào hứng, tích cực thực hiện.
Các trường học đã thực hiện 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ký cam kết không mang đến trường và sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần trong trường học kể từ ngày 1/9. Hiệu trưởng nhà trường phân công các bộ phận theo dõi, hướng dẫn, quản lý việc thực hiện trường học không có rác thải nhựa từ năm học 2022 – 2023.
Để cụ thể hóa các kế hoạch, các nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa dùng một lần, “nói không với rác thải nhựa”. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa…
Từ trong đề án ấy đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay. Tại Trường THCS Đồng Tiến, trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần đã tuyền truyền cho các em học sinh thay đổi hành vi, thói quen sử dụng rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo viên và học sinh của trường cũng mở gian hàng “vì một Cô Tô không rác thải nhựa” để góp phần tuyên tuyền sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo đó, sau thời gian học ở trường, các em học sinh trưng bày, giới thiệu những sản phẩm như: cốc, bình đựng nước, bình trà bằng tre; túi mây tre đan; túi sinh học thân thiện với môi trường; ống hút cỏ bàng…
Các em tham gia gian hàng rất sôi nổi. Em Bùi Thị Hương (lớp 9A) chia sẻ: “Qua các buổi tuyên truyền của thầy cô, chúng em hiểu rõ những kiến thức để nhận biết rác thải nhựa, các biện pháp tái chế rác thải, những hành động tích cực bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Thay vì dùng chai nước nhựa, ống hút bằng nhựa, hiện chúng em chuyển sang dùng túi sinh thái, bình nước bằng gỗ, ống hút tre. Được tự mình trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thân thiện với môi trường em thấy rất vui và ý nghĩa. Thông qua hoạt động gian hàng em đã tuyên truyền, vận động được bố mẹ, người thân và người dân trên đảo thực hiện giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Đối với các trường mầm non, ngay từ đầu năm học, các trường đã thông báo đến phụ huynh các lớp không đựng đồ cho bé bằng túi ni lông, không mang bánh kẹo đến trường nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa một lần. Tất cả cùng hướng đến tiêu chí “trường học không có rác thải nhựa”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thanh Hương, một giáo viên mầm non, cho biết: “Chúng tôi thông báo trên nhóm zalo của lớp, khuyến khích phụ huynh cho trẻ ăn sáng ở nhà, không mang túi nhựa cũng như đồ nhựa dùng một lần đến lớp. Đến nay, phụ huynh đã tích cực phối hợp và thực hiện tương đối hiệu quả, lượng rác thải nhựa tại lớp và trường cũng giảm rất nhiều”.
Đến xã Thanh Lân, chúng tôi lại nghe kể đến phong trào “tiếng trống sạch trường” nhằm thu gom, phân loại rác thải nhựa, tạo môi trường học tập an toàn, thuận lợi; đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Thầy giáo Hà Quang Duẩn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lân cho hay: “Nhà trường tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi ngoại khóa, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các tiết học. Công tác vệ sinh trường lớp cũng được thực hiện đảm bảo cảnh quan và hạn chế rác thải nhựa. Hệ thống pa nô, áp phích tuyên truyền nói không với rác thải nhựa cũng được chúng tôi dán ở cổng trường, giúp các em học sinh dễ nhìn thấy và thực hiện. Trường cũng bố trí các đội kiểm tra hằng ngày tại cổng trường vào buổi sáng để giám sát thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc không mang túi ni lông và đồ nhựa một lần vào lớp học, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho học sinh”.
Còn tại Trường THCS thị trấn Cô Tô, mô hình công trình măng non “ngôi nhà kế hoạch nhỏ” đã phát huy tác dụng không nhỏ. Các em học sinh sau khi vệ sinh lớp học sẽ thu gom phân loại rác thải theo quy định ghi sẵn trên từng thùng. Số lượng rác thải có thể tái chế sẽ được thu gom, bán gây quỹ ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.
“Chúng tôi xây dựng mô hình này giúp các em vừa thực hành phân loại rác thải ngay trong trường học vừa tạo cho các em tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau”, cô giáo Hoàng Thị Khánh Huế, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cô Tô nói.
Trong khi giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thị trấn cũng đã khéo léo tận dụng rác thải nhựa, phế phẩm qua sử dụng để chế tạo thành các sản phẩm trưng bày như những món đồ chơi ngộ nghĩnh, đồ trang trí như bình hoa, chậu cảnh hay cả đồ dùng học tập.
Chung sức bảo vệ môi trường sống
Một điều tích cực khác mà hệ thống giáo dục ở Cô Tô đã làm được đó là tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường biển; các trường học ra quân dọn vệ sinh bãi biển và đảm nhận cung đường chăm sóc không rác thải nhựa. Việc nâng cao nhận thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai của đảo là yếu tố then chốt góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường; hướng đến xây dựng huyện Cô Tô trở thành đô thị sinh thái biển trong tương lai.
Tham gia những đợt dọn vệ sinh bờ biển với các em học sinh sẽ thấy được sự hứng khởi, nhiệt tình và ý thức được nâng lên rõ rệt trong lớp trẻ. Em Trương Thái Hằng, lớp 10A2, Trường THPT Cô Tô, chia sẻ: “Sinh sống và học tập trên huyện đảo, em nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển. Em thường xuyên tham gia các hoạt động dọn rác vệ sinh bãi biển, bởi em muốn bảo vệ môi trường sạch đẹp nơi mình sinh sống và bãi biển có sạch thì mới thu hút du khách và phát triển du lịch”.
Dựa trên những kết quả thực tế, các trường học của huyện đã đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp, các giáo viên chủ nhiệm trong việc thực hiện “trường học không có rác thải nhựa”, “lớp học không có rác thải nhựa”. Theo thống kê, đến nay, 100% các trường ở Cô Tô đã triển khai thực hiện hiệu quả “trường học không rác thải nhựa”.
Ông Đỗ Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô, cho rằng, ngành giáo dục quyết tâm thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ dừng ở khẩu hiệu phong trào mà bằng những hành động cụ thể, lan tỏa đến toàn bộ học sinh. Phòng cũng chỉ đạo các trường lồng ghép nhiều hoạt động nhằm giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác từ nguồn, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần.
“Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, ngay cả những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, những hành động nhỏ nhưng thiết thực và ý nghĩa của các em sẽ góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường huyện đảo Cô Tô ngày càng xanh sạch, đẹp”, ông Đỗ Văn Quang nhìn nhận.
Tin rằng, với sự đồng hành, nhận thức được từ thế hệ trẻ, thì không chỉ Cô Tô, mà biển đảo Việt Nam sẽ ngày một sạch đẹp hơn, tôm cá ngày càng trù phú hơn.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cô Tô cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động thực hiện đề án, bước đầu đã tạo sự đồng thuận của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai vận động các hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa trong bán hàng; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; vận động khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng tự mang bao bì, túi đựng có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và nói không với túi ni lông…”.