Hiệp hội Chè Việt Nam: Tổ chức thành công Đại hội khóa VI, nhiệm kỳ 2024-2029
Tham dự Đại hội có các đại biểu: Đồng chí Tạ Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ (Bộ Nội Vụ); Đồng chí Mai Thị Thu – Chuyên viên chính Bộ Nội Vụ; Đồng chí Nguyễn Từ Hải – Trưởng Phòng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Đồng chí Lê Đức Tùng – Bí thư Chi bộ Hiệp hội Chè Việt Nam; Đồng chí Đinh Thanh Tùng – Chủ tịch Công đoàn Hiệp hội Chè Việt Nam cùng toàn thể hội viên của Hiệp hội Chè Việt Nam. Đến dự và đưa tin đại hội có các phóng viên của Tạp chí Kinh tế và Đồ uống.
Ông Hoàng Vĩnh Long – Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam khóa V trình bày báo cáo đánh giá hoạt động của Ban Chấp hành khóa V và phương hướng hướng hoạt động khóa VI; Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam khóa V trình bày báo cáo kiểm điểm hoạt động của BCH nhiệm kỳ 2019-2024; Ông Hoàng Đình Như – Trưởng ban Kiểm tra báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo báo cáo tại Đại hội, vị thế cây chè tiếp tục được khẳng định ở nhiều địa phương có truyền thống trồng chè, nhất là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Cây chè đã được khẳng định là cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương như: Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng… và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa vào Đề án phát triển 6 cây công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2030. Đến hết năm 2023 tổng diện tích chè cả nước 123.000 ha, trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 8.000 ha, diện tích chè kinh doanh 115.000 ha.
Nét nổi bật của ngành chè trong 5 năm qua có nhiều chuyển biến mạnh từ nhận thức đến hành động của những người làm chè và các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm. Chuyển mạnh từ quảng canh sang thâm canh, từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả kinh tế, đặc biệt đã quan tâm đến môi trường và các vấn đề xã hội. Các Hội viên của Hiệp hội Chè Việt Nam là những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp thông minh và chế biến chè an toàn. Tiêu biểu là các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam: Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty Cổ phần Chè Sông Lô, Công ty Cổ phần Chè Than Uyên, Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thế Hệ Mới, Công ty CP chè Thái Bình, Công ty CP chè Biển Hồ, Công ty CP chè Hà Thái và các doanh nghiệp sản xuất chè Ô Long thuộc tỉnh Lâm Đồng…
Không những thế, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại đang được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Công nghiệp chế biến chè đã lớn mạnh nhanh chóng qua các năm gần đây nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư một số dây truyền, thiết bị hiện đại, đã sản xuất được các loại chè cao cấp và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và được thị trường chấp nhận. Hầu hết các doanh nghiệp hội viên đã chú trọng đầu tư cải tiến dây truyền sản xuất, giảm lao động trực tiếp, nâng cao năng suất giảm giá thành và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các thị trường truyền thống được giữ vững và mở rộng thêm một số thị trường mới. Trong 5 năm qua mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng khối lượng và trị giá xuất khẩu vẫn ổn định hàng năm từ 125.000 đến140.000 tấn/năm, kim ngạch 220 đến 240 triệu USD, giá cá biệt một số loại sản phẩm tăng cao, có sản phẩm đạt từ 15.000 đến trên 50.000 USD/tấn; nhưng chè giá thấp còn chiếm tỷ trọng cao (trên 90% chủ yếu do hái máy không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) nên giá chè xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 1.700 – 1.800 USD/tấn. Chè Việt Nam đã xuất khẩu vào được hầu hết các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Bắc Mỹ, Nhật Bản).
Sản phẩm chè Việt Nam hiện nay rất phong phú và đa dạng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể tại các vùng chè trên cả nước đều có sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước. Sản phẩm chè tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là chè xanh và các sản phẩm sản xuất từ chè Shan rừng. Giá bán các sản phẩm chè nội tiêu đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu.Trong 5 năm qua, mức tiêu dùng trong nước tăng dần từ 40.000 tấn/năm (2018) đã lên khoảng 50.000 tấn/năm (2023); giá bình quân cũng tăng đều từ 150.000 đồng/kg (năm 2018) đã lên khoảng 200.000 đồng/kg (năm 2023). Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm chè, nhất là các loại chè chất lượng cao.
Trong 5 năm qua Hiệp hội đã nhiều lần làm việc với các cơ quan Trung ương và các địa phương có sản xuất chè để tham gia ý kiến về giải pháp phát triển chè bền vững. Sau Đại hội V các kiến nghị của Hiệp hội đã được Chính phủ, các Bộ và UBND các tỉnh tiếp nhận và triển khai từng bước. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng các sở NN&PTNT, các sở Công Thương tổ chức Hội thảo về Phát tiển chè bền vững tại Lâm Đồng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang… nhằm tìm giải pháp tốt nhất phát triển chè an toàn, bền vững; phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đưa ngành chè Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
Đặc biệt, Hiệp hội đã hợp tác với Hội trà Phổ Nhĩ, Hội Kinh tiêu trà thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức chương trình Giao lưu Hợp tác và tổ chức đào tạo kỹ thuật sản xuất chế biến chè; Hiệp hội cũng tổ chức thành công Tea MasterCup quốc tế tại Việt Nam nhằm quảng bá ngành chè Việt Nam ra thị trường trong nước và quốc tế, tổ chức thành công các cuộc Hội chợ và khảo sát thị trường chè quốc tế tại Pháp, Trung Quốc.
Theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Diện tích đất trồng giống mới tăng chậm, giống chè cho năng suất và chất lượng cao chưa được phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất chè chất lượng cao; Ngoài các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh… nhìn chung việc đầu tư cho nông nghiệp chè chưa được các địa phương quan tâm, nhất là đầu tư hình thành vùng nguyên liệu mới và đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu hiện có, đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng và thâm canh tăng năng suất chè; khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trong 5 năm qua có nhiều cải thiện, nhưng thực tế vẫn còn thấp so với khả năng chế biến.
Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục tập trung khai thác, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, đặc biệt là các thông tin, dữ liệu liên quan đến quan hệ cung cầu, năng lực sản xuất, khả năng tiêu thụ, thương hiệu, mẫu mã, chất lượng, giá cả, thương nhân, thị trường, dự báo… Bên cạnh đó, hợp tác với các Hiệp hội Chè của các quốc gia và vùng lãnh thổ bằng việc ký và thực hiện các thoả thuận hợp tác song phương và địa phương nhằm phối hợp giới thiệu đối tác, giám sát và kiểm tra chất lượng, quảng bá sản phẩm, thiết lập mạng lưới tiêu thụ. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nghiên cứu khoa học, trong sản xuất nông – công nghiệp, trong thương mại, quản lý của ngành Chè Việt Nam…
Với tinh thần đoàn kết và nhất trí cao, cùng các báo cáo đã thông qua, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành khóa VI với 27 thành viên. Đại hội đã lựa chọn bầu 13 thành viên vào Ban Thường vụ.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hiệp hội Chè Việt Nam khóa VI đã tiến hành họp ngay sau khi ra mắt Ban Chấp hành khóa VI và bầu các chức danh chủ chốt, kết quả: Ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực; Ông Nghiêm Văn Thắng – Phó Chủ tịch; Ông Lê Quang Chuyền – Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Chủ tịch; Ông Đoàn Anh Tuân; Ông Ngô Đức Tú; Ông Trần Đại Bình; Bà Nguyễn Thị Ngà; Ông Đặng Mạnh Hùng; Ông Hoàng Đình Như – Tổng Thư ký; Ông Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng ban Kiểm tra.
Một số hình ảnh tại Đại hội: