Lễ hội Bơi chải truyền thống đón xuân của huyện Nga Sơn Thanh Hóa

Tạp chí Biển Việt Nam - Xã Nga Bạch (huyện Nga Sơn, Thanh Hoá) là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nhân dân Nga Bạch có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Trong đó có Lễ hội Bơi chải truyền thống, với ý nghĩa cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi luôn đánh bắt được nhiều tôm cá…
Lễ hội Bơi chải tết năm nay được UBND xã Nga Bạch tổ chức vào ngày 12/2 (tức ngày mồng 3 Tết Giáp Thìn). Đây là năm thứ hai lễ hội được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp và nét đẹp văn hóa truyền thống. tạo nên sự gắn bó giao lưu tình cảm giữa các thôn, tinh thần vui tươi, lành mạnh, bổ ích; thể hiện sức mạnh, mưu trí,   sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong quá trình hoạt động phát triển  kinh tế, văn hoá xã hội của nhân dân trong xã, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội Bơi chải truyền thống thôn Bạch Đằng, xã Nga Bạch ra đời sau chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), đã trở thành một ngày hội vui khỏe của dân làng nơi đây. Với quang cảnh trên sông Lạch Sung, đoàn thuyền chải lướt nhanh như tên bắn, hai bên thuyền đua hàng tay chèo vung lên đều tăm tắp, dưới bến sông rộn lên tiếng reo hò cùng dòng người khắp nơi hội tụ hai bên bờ sông tạo nên không khí náo nức như nghĩa quân ra trận năm xưa.
Hội bơi chải truyền thống tại thôn Bạch Đằng, Nga Sơn, Thanh Hoá
Trước năm 1975, Lễ hội Bơi chải thôn Bạch Hải được tổ chức đều đặn nhưng một thời gian dài sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, Lễ hội Bơi chải không được tổ chức. Vừa qua, lãnh đạo UBND xã Nga Bạch đã làm đơn gửi Sở Văn hóa thông tin và Du lịch tỉnh xin khôi phục lại lễ hội đua và được sở đồng ý, hỗ trợ quần áo, dầm bơi, chèo và 4 tải bơi (thuyền).
Lễ hội bơi chải truyền thống năm nay có 7 đội thuộc 7 thôn tham dự. Công tác chuẩn bị và tập luyện đã được các đội tổ chức và triển khai từ vài tháng trước. Mỗi đội (tải bơi) có 20 vận động viên tham gia với sự phân công vị trí và nhiệm vụ rất rõ ràng, chuyên nghiệp, trong đó có một thuyền trưởng là người cầm chèo lái, 16 người cầm dầm bơi bố trí dọc theo haií hai bên mạn thuyền. Ngoài ra mỗi thuyền còn có một người đứng giữa để gõ mõ bắt nhịp, một người tát nước trong tải ra ngoài, và một người lái phụ.
Với điểm xuất phát cũng trùng điểm đích là Nghè Hậu, thôn Bạch Đằng, các tải bơi trải qua 2-3  vòng đua với chiều dài mỗi vòng đua khoảng 2000m. Các đội bơi được hướng dẫn và giám sát của tổ trọng tài cùng sự reo hò cổ vũ của nhân dân hai bên lạch sông, tạo nên một không khí lễ hội vô cùng vui tươi, sống động.
Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, cơ sở vật chất, thiết bị âm thanh, hiệu lệnh, thuốc men, trang phục… cho các đội tham gia.
Ngoài ra trong lễ hội còn tổ chức đánh cờ người, bài điếm, nhân dân thập phương đến dự lễ hội xem bơi rất đông. Với không khí rộn ràng, náo nhiệt và thiêng liêng của ngày hội, tình cảm gắn bó, gắn kết cộng đồng càng trở nên khăng khít hơn.
Nhân dân nô nức tham gia cổ vũ cho các đội thi bơi chải truyền thống
Ông Mai Văn Sâm, chủ tịch UBND xã Nga Bạch hồ hởi cho biết: “Lễ hội Bơi chải truyền thống năm 2024 được chính quyền và nhân dân chuẩn bị rất chu đáo về nội dung, hình thức, chương trình, cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chí an toàn,  tiết kiệm và  ý nghĩa, phát huy tối đa nội lực và các tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa  tốt đẹp và truyền thống đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong xã. Bảo tồn và phát huy lễ hội bơi chải có ý nghĩa quan trọng nhằm khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì phát triển hoạt động văn hóa thể thao dưới nước nhằm mục đích phát huy truyền thống của cha ông, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong nhán dân và tạo nét văn hoá riêng của địa phương vùng cửa biển”.
Bên cạnh những đặc trưng riêng trên về văn hóa, Nga Bạch còn nơi hội tụ của những truyền thống tốt đẹp được nhân dân đoàn kết, chung sức chung lòng tạo dựng từ hàng trăm năm nay. Đó là truyền thống lao động, sáng tạo; truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của đồng bào địa phương.
Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu