“Lễ hội Cầu ngư” Ngư Lộc  – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tạp chí Biển Việt Nam - Từ 31/3 – 2/4, tại xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), chính quyền huyện, xã, các ban, ngành, đơn vị liên quan cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách xa gần đã long trọng tổ chức Lễ hội cầu ngư năm 2024.
Lễ Hội Cầu Ngư  cũng là dịp để người dân tưởng nhớ công đức to lớn của các vị tiền nhân đã có công gây dựng đất nước. Đồng thời, cũng là dịp để người dân gửi gắm khát vọng về những chuyến ra khơi vào lộng an toàn, đánh bắt được nhiều tôm cá, khát vọng về mùa màng bội thu, về một cuộc sống an lành no ấm và hạnh phúc.
Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội cầu ngư ở vùng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay xuất hiện từ thời Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của cả vùng ven biển xứ Thanh.
Hàng năm đã thành thông lệ, từ ngày 22 – 24 tháng 2 âm lịch, tất cả mọi người dân, từ già đến trẻ, từ trai đến gái là người con của quê hương Diêm Phố Ngư Lộc và du khách thập phương xa gần lại háo hức, thành tâm tụ hội về miền quê Diêm Phố, để tham dự Lễ hội Cầu Ngư độc đáo của cả một vùng ven biển…

Các nghi thức tế lễ tại khu vực lễ đài Trung tâm văn hóa Xã Ngư Lộc

Theo thần phả nghi lại, từ những ngày xã xưa, ông cha ta đã tụ hội về đây lập làng, mở xã, sinh sống bằng nghề đánh cá. Nhưng nơi đây là cả một vùng biển bao la rộng lớn, gió mạnh sóng to, lại có nhiều loại thủy quái, cá lớn hung dữ. Vì vậy người dân Diêm Phố – Ngư Lộc đã lập đền thờ, gửi gắm và mong muốn được thần linh che chở, sóng yên biển lặng, những chuyến ra khơi đánh cá luôn được cá đầy ắp khoang, cuộc sống yên bình,nhà nhà luôn ấm no hạnh phúc…
Trải qua nhiều thế kỷ, với trí tuệ và sự cần cù, thông minh sáng tạo của ông cha, làng xã ngày càng quần tụ đông đúc, nghề đánh cá, trồng trọt ngày càng phát triển, các quần thể di tích lịch sử văn hoá đã được hình thành từ thế kỷ XV, đã được bao thế hệ người con Diêm Phố – Ngư Lộc bảo tồn, gìn giữ phát huy, đã hình thành và làm nên Lễ Cầu mát khi xưa, cũng là Lễ hội Cầu ngư ngày nay.
Với những nét đẹp văn hóa tâm linh và giá trị nhân văn của Lễ hội. Năm 2017 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc là Lễ hội di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày lễ năm nay, hàng nghìn người dân xã Ngư Lộc và các xã ven biển lân cận đã nô nức tham gia Lễ hội Cầu ngư. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ được tổ chức trang nghiêm với lễ rước Long châu từ thôn Bắc Thọ về khu vực lễ đài tại Trung tâm văn hóa Xã Ngư Lộc. Tại đây, lễ vật được dâng lên các vị thần với mục đích tạ ơn các thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ rước Long châu từ thôn Bắc Thọ về khu vực lễ đài tại Trung tâm văn hóa xã Ngư Lộc.
Phần hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, với các tiết mục như: biểu diễn nhạc lưu thủy, múa lân, màn trống hội, diễn xướng chầu văn tại lễ đàn; thi cờ tướng, thi kéo co và nhảy bao bố. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 (tức ngày 22 đến 24 – 2 âm lịch).
Cuối ngày 2/4/2024, Long châu sẽ được hóa trước biển, nghi lễ này cũng là hoạt động sau cùng kết thúc lễ hội. Theo tương truyền, tại xã Ngư Lộc, có 1 ngôi đền thiêng thờ Đức Ông, hay còn gọi là cá Ông, linh vật được những người đi biển tôn thờ, sùng kính. Cá Ông, trong đời sống tâm linh của ngư dân là biểu tượng đem đến sự tốt lành và no ấm. Ngôi đền hàng trăm năm tuổi, cổ kính và  trầm mặc, được xây dựng trong khuân viên riêng biệt của quần thể kiến trúc Nghè – chùa – phủ – miếu Diêm phố. Nơi đây, vẫn còn đặt nhiều bộ ngọc cốt cũ và mới của cá Ông do ngư dân địa phương tìm được trên biển. Đền thờ Đức Ông cùng với lễ hội Cầu ngư, là biểu tượng rõ nhất cho lòng thành kính của người dân Ngư Lộc dành cho linh vật cá Ông. Từ lòng thành kính đó, lễ hội cầu ngư ra đời. Lễ hội cầu ngư phản ánh tập quán sinh hoạt và hành trình vươn khơi bám biển của những người dân xứ biển.
Hình tượng Long châu à một chiếc thuyền rồng, mô phỏng quyền lực của các thần vùng sông biển.
Lễ Hội Cầu ngư là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Diêm Phố xưa – Ngư Lộc ngày nay. Lễ Hội Cầu ngư cũng là dịp để người dân tưởng nhớ công đức to lớn của các vị tiền nhân, tiên thánh đối với cuộc sống của mình. Đồng thời thông qua lễ hội người dân muốn gửi gắm vào đó, những khát vọng của nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, mong muốn được trời yên, biển lặng, khát vọng về mùa màng bội thu, về một cuộc sống an lành, ấm no và hạnh phúc.
Đồng chí Bùi Thế Sinh, Bí thư Đảng uỷ xã Ngư Lộc cho biết: Lễ hội Cầu ngư 2024 được tổ chức với mục đích phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo vệ, giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần.Thông qua lễ hội, Xã Ngư Lộc mong muốn tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cầu ngư đến với du khách thập phương, từng bước tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo./.
Tuệ Hương - Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu