Lữ đoàn 162 quyết tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu

Tạp chí Biển Việt Nam - Lữ đoàn 162 được mệnh danh là “Lữ đoàn thép” của Quân chủng Hải quân. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, Lữ đoàn tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, làm cơ sở nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) là lực lượng chiến đấu chủ lực trên hướng biển trọng điểm nam Trung Bộ, Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Những năm gần đây, tình hình biển, đảo xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triểm mới, yêu cầu cao. Trong khi đó, Lữ đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen có tính chất đặc thù, hoạt động độc lập, dài ngày trên biển, môi trường khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt trực tiếp với các tình huống phức tạp, cùng với nhiều khó khăn, gian khổ với yêu cầu đòi hỏi cao; trong điều kiện đời sống, hậu phương, gia đình của cán bộ, chiến sĩ còn gặp nhiều khó khăn.
Thượng tá Mai Văn Doanh, Chính ủy Lữ đoàn 162.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo là hàng đầu

Nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ được giao cùng những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác chính trị, tư tưởng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, tập trung giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, làm nền tảng nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện,  “mẫu mực tiêu biểu” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng; tập trung thực hiện tốt đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, gắn với thực hiện hiệu quả đề án “Đổi mới công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên đến năm 2025 và những năm tiếp theo” theo phương châm “1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất, 2 sát, 2 nâng” bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú.
Trong đó, chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; quan điểm nhất quán của Đảng ta trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, những bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; trọng tâm là thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch CTĐ, CTCT của cấp trên, nhiệm vụ của đơn vị đến mọi cán bộ, chiến sĩ.
Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung vào xây dựng bản lĩnh chính trị, trong đó nhấn mạnh vào xây dựng nhân tố chính trị tinh thần với 3 yếu tố: Về mặt nhận thức: mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, tin vào vũ khí trang bị mình quản lý, sử dụng, để biết đánh, giám đánh và quyết đánh thắng. Về mặt tình cảm: cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu quê hương, đất nước, yêu từng tất đảo, sải biển; tình đồng chí, đồng đội; tinh thần xả thân vì dân tộc, vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong những lúc kể cả cam kho nhất. Về mặt ý chí: giáo dục đến mọi cán bộ, chiến sĩ ý chí quyết tâm chiến đấu cao, không ngại vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, dẫu có phải hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng thời, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn coi trọng biên soạn các chuyên đề giáo dục chính trị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, nhiệm vụ của các tàu chiến đấu trong biên chế của Lữ đoàn với các hình thức đa dạng, phong phú, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, đạt kết quả cao. Để cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn thực hiện tốt quy chế quản lý tư tưởng quân nhân; triển khai thực hiện tốt “3 xây, 3 chống”; coi trọng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, chú ý đến các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, các tàu làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra trên biển dài ngày, có tính độc lập cao.
Thực hiện tốt phương châm “nắm bắt nhanh, tháo gỡ kịp thời, ổn định tư tưởng bộ đội” với nhiều mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả, như: mô hình hội đồng (tổ) tư vấn tâm lý, tình cảm, “đảng viên dìu dắt quần chúng”, duy trì đối thoại dân chủ, hòm thư góp ý, lấy phiếu thăm dò tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; triển khai thực hiện tốt đột phá dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng bộ đội”. Xây dựng mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ thực sự mẫu mực như anh em một nhà, để bộ đội ở đơn vị, ở tàu cũng như ở nhà, tuy xa về khoảng cách nhưng gần gũi về tình cảm, cùng nhau xây dựng “ngôi nhà chung 162”. Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao,  nhận thức rõ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo là của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam giữ vai trò nòng cốt.
Cùng nhau xây dựng “ngôi nhà chung 162”.
Thực tiễn qua 22 năm xây dựng và trưởng thành cho thấy, trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn, nhất là lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên các tàu chiến đấu luôn nêu cao ý chí, quyết tâm trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tô thắm truyền thống cao đẹp của Bộ đội Hải quân anh hùng. Phát huy truyền thống đó, Lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh rèn luyện ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ thông qua thực tiễn huấn luyện và qua các hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đối với nhiệm vụ huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện tốt phương châm “cơ bản – thiết thực – vững chắc”; tích cực nghiên cứu đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện, thực hiện huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, lấy huấn luyện kỹ thuật là cơ bản, chiến thuật là trọng tâm. Đẩy mạnh phân cấp huấn luyện phù hợp với khả năng của từng cấp; trong đó tăng cường huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính theo cách “cầm tay chỉ việc”, “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị”.
Đặc biệt, Lữ đoàn chú trọng kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành trên trang bị và truyền thụ kinh nghiệm rút ra từ thực tế luyện tập. Xây dựng chỉ tiêu, định mức cụ thể cho từng đối tượng trong huấn luyện để phấn đấu thực hiện. Kết thúc mỗi bài học, khoa mục huấn luyện, giáo viên tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả nhận thức của bộ đội, khi đạt từ mức khá trở lên mới chuyển nội dung khác; không huấn luyện dàn trải mà chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, thể hiện bằng thao tác, kĩ năng của từng vị trí, chức trách. Sau kiểm tra huấn luyện, chỉ huy tàu cùng tổ giáo viên chủ động phân nhóm các đối tượng học tập; tổ chức huấn luyện bổ sung, cử các đồng chí có kiến thức tốt kèm các cá nhân nắm chưa tốt nội dung huấn luyện.

Tinh thần tự học

Để làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại có trong biên chế của đơn vị, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn chú trọng đến tinh thần trách nhiệm trong tự học, tự nghiên cứu cho cán bộ, chiến sĩ trong nắm chắc các bước khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ; phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài để biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chủ động chuẩn bị giáo án, bài giảng để dạy cho đơn vị. Nhờ đó, học ngoại ngữ đã trở thành phong trào sôi nổi, hoạt động tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn. Câu lạc bộ “Con tàu ngoại ngữ 162” được hình thành, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nhiệm vụ khai thác, làm chủ khí tài, trang bị.
Cùng với đó là phong trào học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo ra các mô hình, trang thiết bị phục vụ huấn luyện luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 coi trọng, xem đó là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua và đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Qua các mô hình, sáng kiến kỹ thuật được ứng dụng có hiệu quả vào công tác huấn luyện đã lan tỏa, truyền cảm hứng, góp phần thiết thực xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Nhờ đó, nhiều năm liền, Lữ đoàn được tặng danh hiệu đơn vị huấn luyện giỏi. Đặc biệt, năm 2023 Lữ đoàn dành giải nhất toàn đoàn trong hội thi tàu chính quy mẫu mực, hội thao huấn luyện tàu mặt nước lần thứ nhất của Quân chủng Hải quân. Qua đó, khẳng định khả năng chiến đấu, khả năng làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, đáp ứng yếu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 2023 Lữ đoàn dành giải nhất toàn đoàn trong hội thi tàu chính quy mẫu mực, hội thao huấn luyện tàu mặt nước lần thứ nhất của Quân chủng Hải quân.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tin tưởng giao nhiệm vụ trong hoạt động đối ngoại Quốc phòng, như: tổ chức nhiều lượt tàu tham gia diễn tập Hải quân đa phương; tham gia Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế, thăm hữu nghị các nước trong khu vực và quốc tế; đón các đoàn khách quốc tế đến thăm đơn vị và cảng quốc tế Cam Ranh; qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam với Quân đội và Hải quân các nước, nâng cao vị thế của Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và vị thế của Việt Nam nói chung trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị.
Cùng với đó, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Đây được coi là nội dung quan trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng phẩm chất nhân cách, ý chí chiến đấu của bộ đội. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là ở cấp chi bộ; coi trọng năng lực xây dựng, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; thực hiện đột phá vào các nội dung: “2 chất lượng, 2 nêu cao”, xây dựng chi bộ, đảng bộ theo tiêu chí “4 tốt”; yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm: “Giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”; coi trọng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm kỷ luật Đảng ngay từ cơ sở. Nhờ đó, hằng năm, 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (15% trở lên hoàn thành xuất sắc); 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (92,5 % trở lên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ), đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Chú trọng xây dựng, làm điểm tựa cho ngư dân.
Lữ đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Phong trào thi đua “Đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, sáng tạo, an toàn, quyết thắng”, “Huấn luyện giỏi, an toàn, làm chủ, chính quy, hiện đại”; các đợt thi đua đột kích trong diễn tập, hội thi tàu “chính quy mẫu mực”, hội thao huấn luyện tàu, phục vụ đoàn công tác đi thăm, kiểm tra Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK, đối ngoại quốc phòng… đạt hiệu quả cao, đã thực sự tạo động lực, khích lệ cán bộ, chiến sĩ nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Lữ đoàn luôn quan tâm chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, chính sách hậu phương quân đội; chú trọng đối với cán bộ, chiến sĩ trên các tàu chiến đấu, các dịp lễ, Tết… Đồng thời, việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ, khen thưởng được cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai… tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực vấn tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; khu vực Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Phát huy kết quả đã đạt được, Lữ đoàn xác định tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, vững vàng nơi “đầu sóng”, viết tiếp truyền thống “sẵn sàng chiến đấu, chính quy tinh nhuệ, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến quyết thắng”, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Mai Văn Doanh (Chính ủy Lữ đoàn 162)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu