Năng lực của người cán bộ đối với vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, mỗi cán bộ phải là những người đi đầu trong việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm, việc làm sai trái, thù địch đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại bộ phận cán bộ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu trong lao động, học tập, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng về đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với những biểu hiện cụ thể đã được Đảng ta chỉ rõ trong các văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương. Đặc biệt, gần đây là Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 15/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là những nội dung thể hiện sự tìm tòi, đúc kết sâu sắc về thực tiễn và khoa học, phản ánh sự phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng trước những vấn đề mới của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhâợ quốc tế sâu rộng và trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, có biểu hiện thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là điều hết sức nguy hiểm, hậu quả của nó là khôn lường, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ khi mới ra đời, Chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành đối tượng phê phán xuyên tạc của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Các nhà tư tưởng tư sản tập trung vào ba vấn đề trụ cột là học thuyết hình thái kinh tế – xã hội; học thuyết giá trị thặng dự và học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục đích xóa bỏ nền tảng tư tưởng, làm tan rã Đảng cộng sản, chống lại chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới. Vì vậy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, thể hiẹn vai trò của công tác tư tưởng.
Là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ tâm huyết, tài năng và đức độ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người cho rằng “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Trong huấn luyện đội ngũ cán bộ, cần đặc biệt coi trọng phẩm chất chính trị: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”, “chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”.
Cương lĩnh của Đảng đã xác định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trong đó, phương hướng phát triển của đất nước trong những năm tới là tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, trong đó công tác cán bộ là then chốt của then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh là thường xuyên, trọng yếu và tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ phải bám sát nhiệm vụ chính trị đất nước và tình hình thực tế để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đề ra. Cần chủ động trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, hình thành khung năng lực phù hợp để từng cán bộ đủ bản lĩnh và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, nhất là những tố chất, kỹ năng như:
Một là, người cán bộ phải thực sự kiến định, vững vàng về bản lĩnh chính trị; thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Hai là, mỗi người cán bộ phải không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo và đươc thử thách qua thực tiễn công tác nhằm nâng cao tính đảng, tính chiến đấu, đủ bản lĩnh đấu tranh trước cái sai, bảo vệ cái đúng, không hoang mang dao động trong mọi hoàn cảnh; có tư duy độc lập, kiến thức, khả năng lập luận, phản biện, phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc.
Ba là, bản thân người cán bộ phải có nhiệt huyết và khát vọng vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; đủ năng lực nắm bắt, thích nghi, sử dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học – công nghệ để đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao…
Bốn là, bản thân người cán bộ phải có kỹ năng, ngoại ngữ và tổ chất cần thiết để làm việc có hiệu quả trong môi trường quốc tế…
Năm là, môi trường làm việc quốc tế đòi hỏi người cán bộ phải nhạy bén về tư duy, tầm nhìn chiến lược nhưng phải giữ vững quan điểm, lập trường của Đảng, kiên định nguyên tắc dộc lập tự chủ, phát huy nội lực; luôn tự tin về văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, tranh thủ ngoại lực để phát triển đất nước.
Trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta ngày càng quyết liệt, vừa trắng trợn vừa tinh vi, hiểm độc. Vì vậy, hơn bao giờ hết phải nêu cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII và Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, cần chú ý đến những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, kế hoạch, nhiệm vụ cần được triển khai cụ thể, bài bản, phân công cho từng cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tiền đồ và tương lai của dân tộc. Đồng thời, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn, tác hại của các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ cơ hội về chính trị, tham vọng về quyền lực trong nội bộ Đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chủ nghĩa, tham vọng về quyền lực, độc đoán chuyên quyền, phe cánh, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm, luôn tìm mọi cách để làm lợi cho bản thân, gia đình, coi thường kỷ cương phép nước. Đây chính là những kẻ không những không bảo vệ Đảng, mà còn là phần tử trực tiếp hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, tuyệt đối không để lọt vào hàng ngũ của Đảng những kẻ có biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố thế trận lòng dân trong công tác tư tưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là một chiến sĩ, mỗi gia đình phải trở thành pháo đài trong việc phát hiện và đấu tranh loại bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có khả năng đề kháng tốt, tham gia đấu tranh hiệu quả trên không gian mạng.
Thứ năm, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong học tập nâng cao trình độ, xây dựng bản lĩnh chính trị và tự rèn luyện đạo đức, lối sống.
Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện bản thân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khắc phục ngay việc ngại học, lười học lý luận chính trị, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng. Phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng, mục tiêu phát triển của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
-
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 280
-
Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 492