Nghiên cứu động lực xu hướng của GenZ tìm hiểu văn hoá lịch sử

Nghiên cứu này hướng đến việc phân tích và làm rõ các động lực thúc đẩy thế hệ Gen Z tìm hiểu về văn hóa và lịch sử, đồng thời mang lại cái nhìn toàn diện về cách thức họ tiếp cận, tương tác và lan tỏa thông tin liên quan đến những nội dung này.
Đề xuất các chiến lược truyền thông sáng tạo và hiệu quả, phù hợp với đặc trưng của Gen Z, nhằm nâng cao chất lượng truyền thông về lịch sử và văn hóa đến nhóm đối tượng này.
Phân tích tài liệu thứ cấp: Tham khảo các nghiên cứu, bài báo trước đây về hành vi của Gen Z trên mạng xã hội, tài liệu liên quan đến xu hướng tiếp cận văn hóa, lịch sử của giới trẻ.
Khảo sát định lượng: Thiết kế bảng hỏi trực tuyến để thu thập dữ liệu về mức độ quan tâm, động lực, hình thức tiếp cận văn hóa, lịch sử của Gen Z.
Phỏng vấn sâu: Tiến hành phỏng vấn 3 – 5 cá nhân tiêu biểu thuộc Gen Z để tìm hiểu trải nghiệm, tâm tư và cảm nhận của họ khi chủ động tiếp cận các giá trị văn hóa, lịch sử.
Gen Z thường được xem là một thế hệ “sống vội” và dễ thay đổi thị hiếu. Song, cùng với sự phổ biến của các nền tảng học liệu mở, trào lưu “quay về cội nguồn” đang nổi lên rõ nét. Ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia các group, fanpage về lịch sử Việt Nam, chia sẻ clip về các sự kiện, nhân vật lịch sử, hoặc trực tiếp đi “phượt” tại các di tích, bảo tàng để ghi hình, làm vlog. Sự quan tâm này không chỉ là nguồn động lực giúp duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa – lịch sử, mà còn tạo ra những cơ hội kinh tế – xã hội mới (du lịch, xuất bản, mô hình giáo dục…).
MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
- Gen Z: Những người sinh ra trong giai đoạn 1997–2012, lớn lên trong thời kỳ internet bùng nổ, có xu hướng tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh, ưa chuộng tính tương tác cao trên mạng xã hội.
- Động lực:
- Văn hóa – Lịch sử: Văn hóa được hiểu là hệ giá trị, tín ngưỡng, tập tục, lối sống, nghệ thuật… của một cộng đồng. Lịch sử là chuỗi sự kiện, quá trình phát triển của xã hội, đất nước, con người. Tìm hiểu văn hóa – lịch sử là quá trình thu thập, phân tích, ghi nhớ, và truyền đạt các thông tin, câu chuyện, di sản từ quá khứ và trong hiện tại.
- Xu hướng tìm hiểu văn hóa – lịch sử: Xu hướng này thể hiện ở việc Gen Z chủ động và tích cực tiếp cận, khai thác thông tin văn hóa – lịch sử qua nhiều kênh (tài liệu, hoạt động thực tế, tương tác trên mạng), đồng thời chia sẻ, phổ biến, thậm chí sáng tạo nội dung mới liên quan đến lịch sử và văn hóa.
- Mạng xã hội: Các nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tạo, chia sẻ nội dung, kết nối và tương tác với nhau. Các nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram, và TikTok không chỉ đóng vai trò là công cụ giao tiếp mà còn là những kênh hiệu quả để tiếp cận thế hệ Gen Z. Đây là một trong những phương tiện quan trọng trong việc thúc đẩy sự quan tâm và kết nối Gen Z với các giá trị truyền thống.
Cơ Sở Lý Thuyết
Lý thuyết (Contagion Theory): Lý thuyết truyền nhiễm trong truyền thông cho rằng hành vi, ý tưởng và cảm xúc của con người có thể lan truyền nhanh chóng trong một tập thể, tương tự như cách thức các bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc. Nền tảng của lý thuyết này được đặt ra bởi Gustave Le Bon qua tác phẩm “The Crowd: A Study of the Popular Mind” (1885), khi ông chỉ ra rằng cá nhân trong đám đông dễ mất đi bản sắc riêng và bị cuốn theo cảm xúc tập thể. (Gustave Le Bon, “The Crowd: A Study of the Popular Mind” (1885))
Lý thuyết (Two-Step Flow Theory): Lý thuyết dòng chảy hai bước trong truyền thông cho rằng phần lớn mọi người hình thành quan điểm của mình thông qua ảnh hưởng từ các nhà lãnh đạo ý kiến (opinion leaders). Những người này tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng (Mass Media), sau đó truyền tải lại những thông tin ấy dựa trên sự diễn giải hoặc quan điểm của riêng họ đến công chúng rộng hơn. (Two Step Flow Theory. (2012, July 6). Communication Theory.)
THỰC TRẠNG VÀ KẾT QUẢ KHẢO SÁT
THỰC TRẠNG GEN Z QUAN TÂM ĐẾN VĂN HÓA-LỊCH SỬ
Giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là Gen Z, đang thể hiện tình yêu sâu sắc với lịch sử và văn hóa dân tộc, thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của các hội nhóm mạng xã hội cùng những sự kiện văn hóa ấn tượng, được minh chứng bằng những con số đáng chú ý. Các diễn đàn như Đại Việt Cổ Phong (214.000 thành viên) và Việt Sử Kiêu Hùng (172.000 người theo dõi) cho thấy sự quan sự quan tâm sâu sắc đến truyền thống.
Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã thành công trong việc đưa lịch sử và văn hóa đến gần hơn với Gen Z Việt Nam. Hình ảnh các ngôi sao cùng fan hòa mình vào các làn điệu dân ca, chèo, cải lương hay hình ảnh các bạn trẻ xúc động trước màn trình diễn của NSƯT Hữu Quốc với Dạ Cổ Hoài Lang không còn hiếm gặp. Tại concert tổ chức ở TP.HCM ngày 22.3, sự kiện đã lập kỷ lục thế giới với hơn 5.000 người mặc trang phục truyền thống Việt Nam, thể hiện tinh thần, niềm đam mê văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ, được lan truyền mạnh mẽ ngay trong sự kiện.
Trên mạng xã hội, các kênh như Giao Cùn (801.200 người theo dõi) và Vẽ kể chuyện (1,1 triệu người theo dõi) chuyên kể chuyện lịch sử đã trở thành cầu nối lan tỏa giá trị văn hóa đến đông đảo bạn trẻ. Không chỉ có các cá nhân mà bản thân các di tích cũng tích cực làm mới thu hút genZ, fanpage Nhà tù Hỏa Lò thu hút gần 500.000 lượt thích, với mỗi bài đăng nhận hàng nghìn phản hồi, khẳng định sức hút của những câu chuyện lịch sử được kể theo phong cách trẻ trung, sáng tạo. Dịp Tết Nguyên đán 2024, phim “Đào, Phở và Piano” trở thành hiện tượng liên tục cháy vé, thu hút sự chú ý lớn từ công chúng.
Ngoài ra cũng vào năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa và đón hơn 300.000 lượt khách chỉ trong chưa đầy một tháng, với lượng khách cao điểm đạt 30.000 – 40.000 người/ngày, cuối tuần lên tới 60.000 người. Không dừng lại ở tiếp nhận, giới trẻ còn sáng tạo để bảo tồn di sản. Các dự án như công nghệ AI phục chế tư liệu, sách song ngữ của Vietnam Centre, hay sự kiện Bách Hoa Bộ Hành 2024 với hơn 500 người diễu hành gần 3km trong trang phục truyền thống, đều khẳng định nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của thế hệ trẻ.
KẾT QUẢ KHẢO SÁT
Quan tâm và nhận thức về văn hóa-lịch sử
Kết quả khảo sát cho thấy thế hệ Gen Z có mức độ quan tâm đáng kể đến các chủ đề liên quan đến văn hóa và lịch sử. Cụ thể, hơn 85% số người tham gia đánh giá mức độ quan tâm ở mức từ trung bình đến cao (mức 3–5 trên thang điểm 5), trong đó mức 4 chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,2%. Điều này cho thấy rằng mặc dù sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, Gen Z vẫn dành sự chú ý nhất định tới các giá trị truyền thống nếu nội dung được truyền tải theo cách thức phù hợp với hành vi và thị hiếu của họ.
Khi tìm hiểu về cơ sở hình thành nhận thức văn hóa – lịch sử, phần lớn người trẻ khẳng định họ tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua mạng xã hội và internet (30,2%). Các kênh truyền thống như trường học (13,6%) hay gia đình (13,3%) chỉ đóng vai trò tương đối hạn chế. Điều này phản ánh sự dịch chuyển rõ rệt trong hành vi tiếp nhận tri thức, khi mạng xã hội đang dần thay thế các kênh giáo dục chính thống trở thành “cửa ngõ” đưa Gen Z đến gần hơn với lịch sử – văn hóa dân tộc.
Cách thức tiếp cận
Công nghệ số hiện đang đóng vai trò rất lớn trong việc đưa văn hóa – lịch sử đến gần hơn với thế hệ Gen Z. Khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của công nghệ số đối với khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa – lịch sử, phần lớn người tham gia khảo sát (49,8%) đánh giá ở mức 4 và 25,2% đánh giá ở mức 5 trên thang điểm 5. Như vậy, hơn 75% người khảo sát đồng tình rằng công nghệ kỹ thuật số có tác động tích cực và rõ rệt trong việc giúp Gen Z tiếp cận với lịch sử theo hướng sinh động, hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về các kênh Gen Z thường sử dụng để tìm kiếm hoặc cập nhật thông tin liên quan đến văn hóa – lịch sử, mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok… chiếm tỷ lệ cao nhất với 40,2%. Tiếp theo là các nền tảng YouTube/Podcast (33,6%) và phim tài liệu, chương trình truyền hình (26,9%). Những kênh truyền thống như sách báo in (13,3%) hay blog chuyên ngành (23,3%) tuy vẫn có chỗ đứng nhất định nhưng không còn là lựa chọn ưu tiên. Thực tế này cho thấy hành vi tiếp nhận thông tin của Gen Z ngày càng gắn liền với tính nhanh, ngắn gọn, trực quan và dễ lan tỏa – đặc trưng của môi trường truyền thông mạng xã hội.
Động lực Gen Z tìm hiểu văn hóa – lịch sử
Dựa trên số liệu khảo sát về động lực tìm hiểu văn hóa – lịch sử của Gen Z, động lực nổi bật nhất thúc đẩy Gen Z tìm hiểu văn hóa và lịch sử là mong muốn hiểu rõ nguồn gốc và bản sắc văn hóa dân tộc (chiếm 33,6% số người tham gia khảo sát). Ngoài ra, lý do chạy theo trào lưu, xu hướng (30,2%) và theo dõi thần tượng, ngôi sao nổi tiếng (29,9%) cũng chiếm tỉ lệ khá cao. Điều này cho thấy Gen Z không chỉ quan tâm đến việc nhận thức rõ hơn về bản sắc cá nhân và văn hóa cộng đồng, mà còn dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng và những người có sức ảnh hưởng trong xã hội hiện đại.
Khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quyết định tìm hiểu văn hóa – lịch sử, kết quả khảo sát cho thấy yếu tố nhu cầu hiểu về lịch sử dân tộc có tác động mạnh nhất, với hơn 60% người được hỏi đánh giá mức ảnh hưởng cao (mức 4-5 trên thang điểm 5). Xếp ngay sau là các yếu tố nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội và xu hướng, truyền thông hiện đại, với khoảng 55% người tham gia đánh giá mức ảnh hưởng tương tự. Yếu tố ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè và nhu cầu tìm tòi, học hỏi cũng nhận được nhiều lượt đánh giá nhưng ở mức độ thấp hơn (khoảng 3-4 trên thang 5). Như vậy, Gen Z tìm hiểu văn hóa – lịch sử không chỉ xuất phát từ nhu cầu nội tại muốn hiểu rõ hơn về nguồn gốc dân tộc, mà còn chịu tác động lớn từ bên ngoài, phần lớn là do các nội dung và xu hướng được lan truyền trên mạng xã hội và các kênh truyền thông hiện đại.
Ngoài ra, khi gặp khó khăn hoặc cảm thấy mất phương hướng, đa số Gen Z có xu hướng tìm đến văn hóa – lịch sử như một “điểm tựa” tinh thần. Cụ thể, có đến 60,2% người được hỏi đánh giá mức độ xu hướng này ở mức cao (mức 4-5 trên thang điểm 5). Điều này phản ánh văn hóa – lịch sử không chỉ là một lĩnh vực kiến thức thông thường mà còn trở thành nguồn lực tinh thần giúp giới trẻ cân bằng lại cảm xúc và tìm kiếm sự an yên trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực.
Nguồn thông tin tham khảo.
Anh, T. (2025, March 23). “Anh trai vượt ngàn chông gai” lập kỷ lục Guinness. Https://Thanhnien.Vn. https://thanhnien.vn/anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-lap-ky-luc-guinness-185250323104835499.htm
Hải, T. (2024, December 25). Giải mã hiện tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự và Triển lãm Quốc phòng. Chuyên Trang Du Lịch. https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/giai-ma-hien-tuong-cua-bao-tang-lich-su-quan-su-va-trien-lam-quoc-phong-1440408.html
Le Bon, G. (n.d.). The crowd: A study of the popular mind. Ethz.Ch. Retrieved April 3, 2025, from https://www.files.ethz.ch/isn/125518/1414_LeBon.pdf
Thế hệ trẻ lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. (n.d.). Báo Lai Châu Điện Tử. Retrieved April 4, 2025, from https://baolaichau.vn/van-hoa/the-he-tre-lan-toa-gia-tri-van-hoa-lich-su-dan-toc
Two Step Flow Theory. (2012, July 6). Communication Theory. https://www.communicationtheory.org/two-step-flow-theory-2/