- Ngày 05/6/1911, cách đây đã tròn 113 năm, tại bến cảng Nhà Rồng, Anh Ba (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu mang tên Đô đốc Latouche-Tréville làm phụ bếp nhằm thực hiện chuyến ra đi về phương Tây tìm con đường cứu dân, cứu nước, một con đường mới chưa được khám phá.
Đến một nền văn minh mới khác với văn minh phương Đông, sang tận nơi có cái gọi là “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà người Pháp thực dân đang tuyên truyền nhằm mục đích để tìm hiểu ngọn nguồn của chế độ thực dân đô hộ dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới, sau này về giúp cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc so với các nhà yêu nước lúc bấy giờ.
“Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, một trong những động lực cơ bản đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu dân, cứu nước
Khác với các nhà yêu nước khác, với những xu hướng, con đường cứu nước khác nhau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sang ngay nước Pháp tìm sự thật ẩn náu phía sau của khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng tư sản Pháp đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác, vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
Bản chất thực của khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kiểm nghiệm qua các cuộc cách mạng tư sản và tại Việt Nam với tư cách là một nước thuộc địa của thực dân Pháp.
Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”.
Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc nhiều đối tượng đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển nhãn quan chính trị vượt thời đại của Người về giai cấp vô sản: Vô sản là tất cả người lao động đoàn kết lại, “Vàng đen trắng đỏ đều là anh em”, khác màu da, khác tiếng nói nhưng có cùng chung một số phận và cảnh ngộ là bị đế quốc thực dân đô hộ, khao khát giải phóng giai cấp và nhân loại. Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản. Đó là khát vọng lớn của Bác. Có thể khẳng định đây cũng chính là cơ sở lý luận về sự nghiệp quốc tế của Người.
Chính khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” một trong những động lực cơ bản đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.
Đi theo con đường của V.I.Lênin, của Cách mạng tháng mười Nga 1917 thì mới giải phóng dân tộc thực sự và mới có “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” thực sự: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”.
Chọn lựa chủ nghĩa Mác-Lênin làm học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất nhằm giải phóng dân tộc và khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức, “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mới là hiện thực.
Tháng 7-1920, đọc được Luận cương của V.I.Lênin về Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc, vui mừng đến phát khóc: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác, vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
Hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” bằng việc xác định con đường cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.… Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đó chính là: Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản tức là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân.
Chỉ có chủ nghĩa xã hội “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mới là một chân lý của thời đại.
Khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” chính là khát vọng của các dân tộc thuộc địa mà Việt Nam là một điển hình cụ thể. Trong Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng cao đẹp, cháy bỏng ấy: Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Nói như Bác đã tóm lược: Chính trị chuyên chế; kinh tế độc quyền; văn hóa ngu dân để dễ cai trị. Cho nên toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam được Bác khẳng định trong Tuyên ngôn một cách hết sức ngắn gọn: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đã hiện thực hóa.
“Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là khẩu hiệu mị dân của giai cấp tư sản ở mọi thời đại ngay cả khi nó mới ra đời với tư cách là thành quả của cuộc cách mạng tư sản. Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”.
Trong Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945, Bác khẳng định:
Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do của Bác chính là nhu cầu và khát vọng hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại hết sức sâu sắc không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới. Thời đại ngày nay khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là một chân lý. Kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 ra đời cho đến nay Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đúng với nghĩa đích thực của nó.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM