Những nông dân thoát nghèo nhờ vốn hỗ trợ sinh kế

Tạp chí Biển Việt Nam - Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo”, lãnh đạo và chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai cùng các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện các chính sách giảm nghèo, để mọi người dân hiểu công tác giảm nghèo vừa là trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người dân. Đặc biệt, xác định rõ vấn đề mấu chốt trong công tác giảm nghèo là phải thay đổi tư duy, để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, tỉnh luôn quan tâm xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ nông dân có thu nhập ổn định.
Vườn dừa của gia đình anh Đinh Glứ

Ông Đinh Glứ, nông dân làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai là điển hình thoát nghèo nhờ hỗ trợ sinh kế từ Quỹ Vì người nghèo của địa phương và nỗ lực bằng chính khả năng của bản thân và gia đình. Trước kia, gia đình ông có 1,7 ha đất rẫy, nhưng phần lớn đất rẫy của gia đình ông nằm ở trên đồi, do chưa nhận thức rõ về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên ông chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như mía, mỳ, bắp, đậu, hiệu quả kinh tế thấp. Sau đó, được tạo điều kiện tham gia thực hiện mô hình sinh kế từ Quỹ Vì người nghèo huyện Đak Pơ, gia đình ông được hỗ trợ 50 cây dừa xiêm và tự mua thêm 10 cây, đồng thời được Mặt trận thị trấn hỗ trợ thêm 1 con bò cái sinh sản để phát triển sản xuất. Ông còn được hướng dẫn xây dựng hệ thống ống nước để tưới tiêu vườn dừa, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ông mạnh dạn chuyển đổi được 0,9 ha đất đồi trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả trước đây sang trông cây dừa xiêm, 0,8 ha trồng mía, kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản, gia đình ông Đinh Glứ đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo. Hiện tại thì gia đình ông đã biết cách chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây, phun thuốc diệt bọ cho lá, dọn cỏ cho vườn dừa sạch sẽ nên cây dừa phát triển tốt. Ngoài ra, để cho bò phát triển tốt, thì ngoài việc cho bò ăn cỏ dại, gia đình ông cũng dành ít đất để trồng cỏ voi để bò đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng văcxin cho bò. Đến cuối năm 2022, cuộc sống gia đình ông đã dần ổn định hơn và đã thoát nghèo.

Ông Thiều Viết Đoàn, xã Sơn Lang, huyện Kbang chăm sóc vườn cây mắc ca.

Một điển hình khác là ông Thiều Viết Đoàn, nông dân thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang, với mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây gia đình ông chỉ trồng cây cà phê trên diện tích đất 2,5 ha, sau đó qua tìm hiểu ở các địa phương khác và nhận thấy lợi ích của việc trồng mắc ca, ông đã mạnh dạn mua cây giống và trồng xen cây mắc ca vào trong vườn cà phê. Sau 4 – 5 năm, cây mắc ca cho thu hoạch quả vụ đầu, trong khi vườn cây cà phê vẫn chăm sóc và thu hoạch ổn định. Đến nay là năm thứ 11, ông thấy rõ được rằng việc trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê là rất phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất hàng năm bình quân đạt trên 3 tấn mắc ca/ha. Với giá bán hạt mắc ca tươi hiện nay khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg, mắc ca chế biến loại 1 có giá trên 180 nghìn đồng/kg, loại 2 có giá trên 140 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 180 – 200 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả của mô hình, ông đã vận động nhiều hộ dân trên địa bàn xã, trong đó có nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số BaNar, nhiều hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại các làng, để cùng nhau thành lập nông hội trồng cây mắc ca xen canh trong vườn cà phê. Khi mới thành lập, mô hình nông hội này có 38 thành viên, các thành viên trồng khoảng 50 ha mắc ca xen canh trong vườn cà phê. Đến nay đã tăng lên 50 thành viên với diện tích 85 ha. Các thành viên đã cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và đưa ra các giải pháp trồng, chăm sóc hiệu quả, nhất là truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho những hộ mới trồng để cùng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Diện tích trồng xen mắc ca trong vườn cà phê của gia đình ông Thiều Viết Đoàn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với hơn 500 lượt công lao động, trong đó ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và trong đó lao động thường xuyên từ 5 đến 7 người thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.

Hà Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu