Niềm đam mê may vá đã đánh thức giá trị đích thực của cô gái “tí hon”

Tạp chí Biển Việt Nam - Từ một cô gái bị khuyết tật bẩm sinh, mang trên mình nhiều thiệt thòi và niềm tự ti. Nhưng nhờ nghị lực vươn lên và vận dụng được sức mạnh của công cuộc chuyển đổi số, Vũ Thị Lan đã trở thành thợ may giỏi, được mọi người yêu thương, cảm phục, tạo nên những giá trị tích cực trong xã hội.
Phá vỡ vỏ bọc khiếm khuyết và tự ti
Vũ Thị Lan sinh ra và lớn lên tại thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Dù năm nay đã 34 tuổi (sinh năm 1990) nhưng Lan chỉ cao 1m 25 và nặng 27 kg. Người dân nơi đây và bạn bè thường gọi Lan với cái tên rất trìu mến là “Cô gái 1m25”. Tuy có thân hình nhỏ bé, nhưng Lan lại có một nghị lực phi thường, có ý chí vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống.
Gia đình của Lan có bố là bộ đội, mẹ làm ruộng và có thêm nghề truyền thống làm phụ kiện trang phục dân tộc bằng kim hoàn. Bố mẹ sinh được 4 người con, nhưng chỉ có Lan không may mắn khi mới sinh ra đã mang trên mình khuyết tật bẩm sinh với cơ thể nhỏ bé và chiếc lưng gù. Hai bàn chân, toàn bộ hệ xương của Lan đã không được phát triển bình thường. Bàn chân cứ ngày càng nhỏ đi và cong lại, các khớp xương đều bị lệch nên không thể xỏ chân vào dép được, các đôi chân cũng teo lại làm Lan rất khó khăn để có thể đi lại. Lan đã trải qua 3 lần đại phẫu để có thể đi dép được như hiện nay.
Tâm sự với PV, Lan bùi ngùi chia sẻ: “Ngày nhỏ em đi học gặp rất nhiều khó khăn, em không tự đi đến trường được mà mẹ phải cõng hoặc lai bằng xe đạp để đưa đón em đến trường hằng ngày, bố thì công tác trong quân ngũ thường xuyên vắng nhà. Ban đầu, mọi người xung quanh và bạn bè cũng trêu chọc, mọi người cũng chỉ nghĩ cố gắng cho em đi học được năm nào hay năm đó để em biết chữ thôi. Nhưng trong suốt những năm đi học phổ thông, em luôn cố gắng là một học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, đạt thành tích học tập tốt. Sau đó, bố em nghỉ hưu trong quân ngũ, chuyển công tác về tiếp tục làm việc tại địa phương nên đã hỗ trợ mẹ em rất nhiều trong việc chăm sóc và đưa đón em đi học. Thấy thế em đã rất cố gắng để không phụ công của bố mẹ, sự yêu thương, động viên của anh chị em trong gia đình, em đã đạt học bổng trong suốt 3 năm đi học và tốt nghiệp Trường cao đẳng Kinh tế & Kỹ thuật Hà Nội với tấm bằng loại giỏi ngành kế toán.”
Trong thời gian ở nhà tìm kiếm việc làm, Lan vẫn luôn cố gắng làm mọi việc giúp đỡ cha mẹ theo khả năng của mình. 
Trở về nhà với tấm bằng cao đẳng ngành kế toán trong tay, nhưng Lan không thể xin được việc làm vì sức khoẻ yếu và ngoại hình nhỏ bé của mình. Hơn 10 năm cất tấm bằng trong tủ, Lan tự ti, thu mình sống trong nhà, ít tiếp xúc với người ngoài. Lan từng rất tuyệt vọng vì tất cả sự cố gắng của bản thân, sự vất vả của mọi người trong gia đình bao năm nay để Lan có được một cái nghề nuôi sống bản thân, phòng khi sau này bố mẹ già yếu không thể nương tựa đã không đem lại kết quả như mong muốn.
Nhưng nỗi thất vọng đó không thể đeo bám cô mãi, vì Lan là người đã từng “bước qua” những tủi thân, thiếu thốn để có được thành quả học tập như ngày hôm nay. Với bản chất ham mê, tìm tòi những điều mới có tính tích cực nên Lan đã tìm xem những video truyền cảm hứng trên mạng. Lan đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và cảm xúc từ việc biết tận dụng giá trị tốt đẹp của công nghệ số. Lan bắt đầu chú ý đến chăm sóc bản thân, lấy lại sức khoẻ và sự tự tin để bước ra ngoài đời. Duyên đến với nghề may của Lan bắt nguồn từ nhu cầu bản thân. Vì cơ thể không cân đối như người bình thường, Lan muốn học may để tự thiết kế cho mình những bộ đồ phù hợp. Cũng thời gian đó, chị gái của Lan sinh con, Lan đã mua vải và tự mầy mò thiết kế để may đồ tặng cháu bé. Từ đó  ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang bắt đầu nhen nhóm.
Cũng thông qua mạng xã hội mà Lan biết đến lớp học cắt may của anh Nguyễn Duy Long ở Hà Nội và  xin học nghề vào đầu năm 2024. Ngày chở con gái đến đăng ký học, ông Vũ Công Thụy (65 tuổi) chỉ gửi gắm thầy giáo một điều: “Mong thầy giúp cho cháu cái nghề để kiếm cơm”. Thấy sự quyết tâm của Lan, ngoài giảm đến 70% học phí, “Thầy Long” còn hỗ trợ chỗ ăn, ở miễn phí cho học trò.
Tạo điều kiện cho học viên đặc biệt, anh Long đã hạ thấp bàn may, đồng thời nâng chiều cao ghế để Lan ngồi làm việc một cách thoải mái. Thân hình nhỏ bé, tay lại yếu nên công đoạn trải vải cắt rập khiến Lan thấy vất vả nhất.
Bàn và ghế cắt may “Thầy Long” thiết kế riêng cho cô học viên đặc biệt.  Ảnh: NVCC
Anh Long chia sẻ: “Lan là một học viên thông minh, tiếp thu nhanh và rất chịu khó. Lan thường tham gia đủ các lớp trong ngày của tôi, học từ 8 – 18 giờ. Ăn cơm tối xong, nghỉ ngơi được chút xíu lại thấy bạn ấy lọ mọ vẽ rập, thiết kế mẫu…”.
Ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế và lan toả giá trị đến cộng đồng
Sau hơn 3 tháng theo học, Lan tốt nghiệp lớp cắt may trang phục nữ cơ bản, trở về quê đem theo niềm khao khát được thoả sức sáng tạo trên những sản phẩm do chính tay mình làm ra, Lan chính thức khởi nghiệp ở tuổi 34. Ngày ra nghề, các bạn học viên tìm mua cây kéo cắt vải loại nhẹ nhất tặng Lan làm vốn. Nhận được nhiều sự giúp đỡ từ thầy giáo và những người bạn mới quen, Lan cảm thấy bản thân may mắn. Cô gái nghĩ: “Mình vẫn được nhiều người yêu thương, nên không được tự ti về bản thân nữa và phải cố gắng vươn lên”.
Bố mẹ và anh chị em trong gia đình cũng phấn khởi khi thấy Lan tràn đầy năng lượng khởi nghiệp. Bố mẹ đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, dụng cụ, nguyên phụ liệu, bàn ghế… cho Lan với tổng trị giá lên đến 50 triệu đồng. Sửa sang lại một gian nhà rộng rãi, sạch sẽ, khang trang để Lan làm cửa hàng và thoả sức sáng tạo cắt may.
Không gian làm việc với thiết kế đặc biệt dành cho Lan
Trong suốt khoá học tại cơ sở cắt may của Thầy Long, ngoài sự ân cần chỉ bảo trong từng đường kim mũi chỉ, trong từng nét vẽ của thầy, Lan còn được thầy truyền đạt lại kỹ năng làm các video để chia sẻ các thông tin hữu ích lên mạng xã hội. Lan đã nắm bắt được sự cần thiết và xu thế tất yếu của mạng xã hội, từ đó nhanh chóng nắm bắt cơ hội thay đổi cuộc đời nhờ vào công nghệ số.
Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh đơn giản nhưng “Cô gái 1m25” đã dựng nên những thước phim thu hút hàng nghìn lượt theo dõi
Mới khởi nghiệp, Lan chỉ dám nhận may đồ cho người thân, hàng xóm…nhưng từ khi lan chia sẻ các video về công việc cắt may hằng ngày của mình trên mạng xã hội Lan đã nhận được nhiều tin nhắn đặt may đồ cho con của các “mẹ bỉm sữa”. Lan hào hứng và rưng rưng xúc động chia sẻ: “Chỉ đơn giản là những cảnh quay lại quá trình làm việc của mình quanh bàn may, mình không ngờ nhận được vô số lời động viên từ cộng đồng mạng”. Cũng từ đó, Lan vỡ òa khi nhận được nhiều yêu thương và tin tưởng từ người lạ, một ngày nhận đến gần 50 tin nhắn đặt hàng, tuy nhiên cô chỉ dám nhận đơn trong khả năng.
Sản phẩm đầu tay rất xinh xắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng gần xa
Những món đồ xinh xắn của Lan đã được nhiều người gần xa biết đến và yêu thích. Không chỉ trực tiếp cắt may, Lan cũng đã có ý định truyền lại nghề và đam mê cho những người cùng sở thích. Trong gia đình cũng như láng giếng đã có người đến học hỏi Lan để theo nghề may. Không ngần ngại chia sẻ kỹ thuật, Lan đã truyền lại rất cặn kẽ, tận tình tất cả những gì mình đã học được từ thầy và cả những kinh nghiệm đầu tiên có được trong nghề may cho mọi người. Trong ánh mắt lấp lánh, rạng ngời Lan không dấu dự định cho tương lai: “Em sẽ tiếp tục học thêm các khoá kỹ thuật nâng cao để có thể may được những sản phẩm có mẫu mã khó hơn, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, nếu ông trời cho em sức khoẻ thì em sẽ mở một xưởng vừa may vừa dạy nghề cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi như em để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”.
Niềm vui và giá trị nhân lên khi Lan chia sẻ kỹ thuật cắt may với những người có cùng hoàn cảnh, sở thích
Thấy con gái thay đổi, bố mẹ Lan cũng an tâm hơn. Ông Thụy không giấu được niềm vui khi thấy con đã có trong tay cái nghề, kiếm được thu nhập từ sức lao động của mình. “Là bố mẹ dù thương con đến mấy cũng không thể đi theo và bao bọc cho con cả đời, bây giờ gia đình chỉ mong con khoẻ mạnh để có thể tự làm và tự lập từ chính đôi tay của mình. Gia đình sẽ ủng hộ hết sức có thể về tinh thần cũng như vật chất để Lan phát triển quy mô theo sức lực của mình “, người cha xúc động nói.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hối, chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Trị cho biết: “Vũ Thị Lan là một hội viên đặc biệt vì có khuyết tật ở cơ thể nhưng là hội viên tiêu biểu của Hội phụ nữ xã chúng tôi. Cô không chỉ hoàn thành xuất sắc các hoạt động của hội mà còn là nguồn truyền cảm hứng, lan toả những giá trị tích cực đến chị em phụ nữ trong hội. Giúp phụ nữ trong xã có thêm thu nhập và sự tự tin trong cuộc sống, từ đó góp phần vào sự phát triển bình đẳng giới của địa phương. Hội rất vui mừng trước những thành quả bước đầu của chị Lan và luôn ủng hộ những cách làm sáng tạo, rất hiệu quả của chị Lan ”.
Bà Trần Thị Hối, chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trao đổi với phóng viên
Chia tay chúng tôi trong sự bịn rịn vì thời gian không cho phép mà câu chuyện thì như còn dài mãi. Lan bộc bạch: “Theo quan niệm của em, không chỉ nghề may mà bất cứ nghề nào cũng cần trau dồi kỹ năng bằng việc thực hành từng ngày. Phải liên tục học tập và đổi mới để có những thành quả tốt hơn. Tuy chưa biết nghề này sẽ đem lại thành công như thế nào nhưng hiện tại được làm công việc yêu thích, được mọi người đón nhận, với em đã là một hạnh phúc”.
Cô thợ may truyền năng lượng Vũ Thị Lan đang giới thiệu sản phẩm mới hoàn thành với phóng viên
Có một nhà văn đã nói đại ý: “Mỗi người phụ nữ sinh ra trong cuộc đời đều là những bông hoa đẹp, họ có vẻ mỏng manh, yếu đuối, tưởng như luôn cần được bảo vệ, chở che từ phái mạnh. Tuy nhiên chưa hẳn đã như vậy”. Câu nói này khá chuẩn xác khi áp dụng vào trường hợp cô thợ may “Tí hon” Vũ Thị Lan. Bởi dù có nhiều thua thiệt về ngoại hình và sức khỏe, nhưng Vũ Thị Lan đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên tự làm chủ cuộc sống, trở thành tấm gương sáng cho sự phát triển của phụ nữ, đồng thời khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình, trong một xã hội “Bình đẳng – yêu thương – phát triển”.
Đặng Thị Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu