Phản bác các luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng internet và mạng xã hội để ra sức xuyên tạc, chống phá quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ đó, nêu những “đề xuất”, “kiến nghị” đòi thay đổi chính sách ngoại giao của Việt Nam về chủ quyền biển, đảo.

Biển Đông có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới. Nơi đây là tâm điểm tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn. Vì thế, vùng biển này nhiều thập kỷ gần đây luôn là “chảo lửa” trên bàn cờ chính trị của khu vực.

Vì vậy các thế lực phản động đã triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội để tung ra những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, chống phá vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Thủ đoạn quen thuộc là lợi dụng những “điểm nóng” trên Biển Đông để bóp méo sự thật, bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mục đích nhằm khuấy động lòng dân, hòng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trong nước, chia rẽ mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan.

Để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra rất nhiều quan điểm, luận điệu sai trái khác nhau, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về vấn đề chủ quyền biển, đảo nước ta. Sau đây xin nêu lên một số quan điểm đó:

Các thế lực thù địch cho rằng: Việt Nam thực hiện chính sách “bốn không” là sẽ không có bạn chí cốt nên dễ bị cô lập trước những tình huống nguy hiểm, nhất là khi chủ quyền biển, đảo bị đe dọa trực tiếp, làm mất đi cơ hội để Việt Nam kết bạn với các nước.

Quan điểm trên đây là sai lầm, bởi trước hết, cần khẳng định quan điểm “bốn không” trong chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc không hề mâu thuẫn với chủ trương: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Trên thực tế, Việt Nam thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự đã đề ra. Chính điều này đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại lòng tin chiến lược – một nền tảng hết sức quan trọng cho các đối tác, các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Nhờ đó, Hải quân nhân dân Việt Nam đã thiết lập và duy trì quan hệ song phương với Hải quân gần 50 nước bao gồm cả các cường quốc Hải quân thế giới, đồng thời tham gia vào nhiều diễn đàn Hải quân đa phương quốc tế.

Việt Nam cân nhắc phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau theo Công ước quốc tế về Luật biển 1982.

Xuyên suốt lịch sử quân sự Việt Nam, cho đến nay, không có quan điểm lý luận liên minh quân sự để chống lại nước khác, hoặc như là một giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Ngay trong điều kiện hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp cực kỳ tàn khốc, ác liệt, gian khổ và kéo dài, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước bạn bè, nhưng chúng ta vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ không tham gia liên minh quân sự với cường quốc.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả thời bình lẫn thời chiến, chúng ta phải luôn nêu cao tính độc lập, tự chủ, không thể ảo tưởng trông chờ sự trợ giúp của nước ngoài. Chúng ta phải tự lực, từ cường, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa vào sức mình là chính.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu của trang web Global Firepower (Hỏa lực toàn cầu – GFP), dựa vào 55 chỉ số (ngoại trừ vũ khí hạt nhân), Việt Nam luôn ở trong tốp 25 nước có sức mạnh quân sự lớn nhất trên thế giới. Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam được xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại nên được đầu tư rất lớn về vũ khí trang thiết bị và con người, bảo đảm sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Vì thế, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định và tin tưởng vào sức mạnh của đất nước và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đủ để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống, mà không nhất thiết phải liên minh quân sự với nước ngoài.

Thành công của Việt Nam trong giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc những năm qua chính là thành quả của đường lối quân sự độc lập, tự chủ, tự cường và thực hiện thắng lợi “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ đối ngoại.

Thực tế lịch sử hai cuộc kháng chiến của Việt Nam đã khẳng định: chính nhờ thực hiện đường lối quân sự độc lập, tự chủ, gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang là yếu tố quyết định tạo ra nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta vẫn kiên trì thực hiện đường lối này, kết hợp với mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh chắc chắn sẽ là biện pháp bảo đảm vững chắc cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Với các luận điệu: Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược” trong đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; “không có giải pháp mạnh với Trung Quốc”; Hải quân Việt Nam “yếu kém”… cũng rất phản khoa học, không phù hợp với tình hình thực tế đã và đang diễn ra.

Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ngay lập tức thể hiện quan điểm kiên quyết, cứng rắn phản đối những hành động xâm phạm của đối phương, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao để lên án những hành vi vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Đồng thời Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước. Bằng trải nghiệm xương máu trong lịch sử về hậu quả của chiến tranh, chúng ta cực lực phản đối chiến tranh. Thế nên, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng liên quan đến biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Vì thế, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta kiên trì đấu tranh khôn khéo, không khiêu khích; không mắc mưu kẻ địch; hết sức kiềm chế, không nổ súng trước; không để nước ngoài lấn chiếm biển, đảo; không để xảy ra xung đột về quân sự, bị cô lập về kinh tế và ngoại giao; tránh lệ thuộc về chính trị và kinh tế. Đây là biện pháp thể hiện sự khôn khéo, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn của Đảng và Nhà nước ta để chúng ta đạt được mục tiêu đề ra, chứ không phải là “nhu nhược, hèn nhát”, “làm ngơ về Biển Đông” như những rêu rao của các đối tượng phản động.

Hiện nay Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có đủ 5 thành phần lực lượng: Tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; pháo binh – tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Cùng với đó là những con người vững vàng về lập trường, kiên định về lý tưởng, có tư duy sáng tạo, quyết đánh và quyết thắng, chắc chắn sẽ là những quả đấm thép để khẳng định sức mạnh của Hải quân Việt Nam hiện nay.

Trung tá, TS Trần Thị Nhẹn (Khoa LLMLN, TTHCM-Học viện Hải quân)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu