Quảng Bình: Đua thuyền mừng ngày đất nước thống nhất

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 30/4, tại TP.Đồng Hới và H.Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ và sông Gianh.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2022. Trước năm 1945, lễ hội được tổ chức 6 năm một lần hay còn gọi là lục niên cận độ. Những năm trở lại đây, lễ hội này được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, trong Tuần văn hóa – du lịch TP.Đồng Hới.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2022.
Các thuyền đua tranh tài quyết liệt khiến người dân và du khách thích thú.
Năm nay, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ có sự tham gia của 8 đội đến từ 5 địa phương của TP.Đồng Hới, gồm: 4 thuyền của xã Bảo Ninh, 1 thuyền xã Quang Phú, 1 thuyền phường Phú Hải, 1 thuyền phường Hải Thành và 1 thuyền phường Đồng Hải.
Theo quy định của ban tổ chức, mỗi thuyền có 23 vận động viên với vị trí, vai trò khác nhau như: chèo lái, chèo mũi, gõ mõ, trai bơi. Các thuyền bơi có thiết kế và kích thước giống nhau với đầu rồng ở mũi, vãy rồng được vẽ nổi bật ở thân thuyền.
Sau gần 1 giờ tranh tài, đội thuyền đua phường Phú Hải đã cán đích đầu tiên, thứ nhì là đội thuyền đua phường Hải Thành và về thứ 3 là đội thuyền đua thôn Cừa Phú (thuộc X.Bảo Ninh).
Dù trời mưa nhưng lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ vẫn diễn ra sôi nổi.
Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ kết thúc thành công.
Tại huyện Tuyên Hóa, lễ hội đua thuyền truyền thống với sự góp mặt của 19 đội thuyền. Sau quá trình đua tài, đội về nhất của hạng A1 thuộc về đội thuyền xã Kim Hóa, đội thuyền của xã Cao Quảng về nhì và thứ 3 thuộc đội thuyền của xã Thuận Hóa. Ở Hạng B, đội thuyền về nhất thuộc về xã Đức Hóa, đội thuyền về nhì là xã Tiến Hóa, về 3 là xã Lê Hóa.
Duy Thỏa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu