Tạp chí Biển Việt Nam – Nơi tôi gửi gắm những đam mê cháy bỏng

Tạp chí Biển Việt Nam - Từ lâu, tôi đã rất yêu nghề báo và đối với tôi, đó là một nghề rất thiêng liêng, cao quý. Tuy nhiên khi bước chân vào nghề tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy mà nghề báo phải trải qua. Thế nhưng đọng lại sau những trải nghiệm quý báu đó, là những kiến thức, những kỹ năng, những cảm xúc quý giá trong cuộc đời.

Xuất phát từ một người được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng tôi lại “say” nghề làm báo từ bao giờ không biết, và tôi bước chân vào nghề báo như một cái duyên không định trước…

Bằng tất cả niềm say mê, tôi bắt đầu nghề viết báo tại Tạp chí Biển Việt Nam với đầy bỡ ngỡ như một chú cá nhỏ lần đầu được bơi ra biển lớn, từng băn khoăn, trăn trở không biết bắt đầu từ đâu và “bơi” như thế nào. Nhưng với bản lĩnh của một người đã từng tham gia các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực cũng đầy khó khăn, thử thách. Do đó tôi không bao giờ nản chí với công việc làm báo mới mẻ nhưng đầy đam mê này.

Thật may mắn cho tôi khi Tạp chí Biển Việt Nam có những anh chị em cán bộ, phóng viên luôn tận tình, thân thiết và tình cảm, tạo cho tôi có cảm giác như nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Trong lúc còn đang bỡ ngỡ nhất thì tôi đã nhận được sự giúp đỡ, động viên khích lệ của các cấp lãnh đạo, các anh chị em trong Tạp chí, trong tất cả các công việc từ kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn cho tới viết tin bài.

Thông qua các chuyến đi thực tế cùng các anh chị phóng viên trong Tạp chí đã cho tôi những kỷ niệm sâu sắc cùng những kiến thức, những kỹ năng xử lý tình huống mà có lẽ không học được ở sách vở nào.

Phóng viên Thanh Huệ (phải) chụp hình cùng Tổng Biên tập Hoàng Thị Huệ và luôn tự hào được là thành viên Tạp chí Biển Việt Nam.

Mỗi chuyến đi của phóng viên đều chứa đựng những câu chuyện vui, buồn của cuộc sống. Trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Nhớ lần tôi về viết tin bài tại bến đò Hói Đào (xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), trong một ngày cuối năm 2023 mưa phùn gió bấc lạnh tê tái, nhìn những đoàn thuyền tấp nập vào ra bến để đưa những chuyến hải sản cho thương lái thu mua, tiêu thụ cho bà con ngư dân nơi đây mới thấy hết được sự khẩn trương,vất vả trong lao động của người dân một nắng hai sương. Phấn khởi trước thành quả của bà con ngư dân nơi đây, tôi viết được bài báo: “Vùng quê dưa hấu, chiếu cói Xứ Thanh, ngày càng phát triển vững mạnh”. Sau khi được Tổng Biên tập báo biên tập và xuất bản, bài báo đã được cán bộ và bà con ngư dân địa phương khen ngợi, làm cho tôi vô cùng phấn khởi và vui mừng.

Đoàn thuyền cập bến chở đầy thủy sản, cung cấp cho vựa nhà chị Tuyết ở bến đò Hói Đào.

Một lần khác, trong những ngày đầu tháng 6 với cái nắng nực, tôi đến xã Bình Sơn (xã miền núi của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Được nghe những câu chuyện khởi nghiệp của những người nông dân với đam mê, khát vọng xây dựng quê hương trên chính mảnh đất đồi đầy nắng, gió này mới thấy những khó khăn, nhọc nhằn mà nghề nào cũng có. Nhưng quả ngọt chỉ đến với những con người có ý chí, quyết tâm cao và có một tình yêu với quê hương, đất nước. Trò chuyện với ông Lê Đình Tú, một trong những điển hình nổi bật trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và được bình chọn là 1 trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, tại đồi chè của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn để hiểu được những khó khăn mà ông và các xã viên đã trải qua, từ đó tôi thêm trân trọng những thành quả mà họ đã đạt được ngày hôm nay.

Phóng viên Thanh Huệ trao đổi với ông Lê Đình Tú, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Sơn.

Qua mỗi chuyến đi, tôi có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và sau những cảm xúc ấy, những người làm nghề như chúng tôi lại có dịp rút ra những bài học kinh nghiệm trong nghề và cuộc sống, niềm vui trong nghề tạo thêm động lực để phóng viên chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn nỗi buồn sẽ được coi là thử thách giúp người cầm bút thêm trưởng thành.

Có thể nói nghề làm báo là vinh quang nhưng kèm theo đó là những giọt mồ hôi mặn mòi và có khi là cả nước mắt, thế nhưng khi đã chọn nghề này thì những người làm báo chúng tôi luôn tự hào và đều lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Chúng tôi luôn cố gắng trau dồi thêm năng lực, rèn luyện thêm về đạo đức nghề nghiệp để ngày càng có những tác phẩm báo chí có chất lượng cao hơn. Với mong muốn mỗi tác phẩm mà chúng tôi tạo ra sẽ góp phần thiết thực trong việc dựng xây xã hội ngày càng văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng và giao phó cho người cầm bút.

Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu