Trường Sa – biểu tượng chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi

Tạp chí Biển Việt Nam - Cách đây đúng 50 năm, vào hồi 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Giải phóng đã tung bay trên đảo lớn nhất cũng là đảo cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. 50 năm qua, những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc từng hòn đảo, bãi đá của Tổ quốc; những ngư dân kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng; những nhà khoa học, kỹ sư, công nhân không ngừng nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao tiềm lực quốc phòng và kinh tế biển đảo,... tất cả đã từng bước tạo nên diện mạo của huyện đảo Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân nơi đầu sóng.
Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc (ảnh: Trọng Thiết)

Trang sử hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ghi lại dấu ấn những ngày này cách đây 50 năm với mũi tiến công từ hướng biển giải phóng Trường Sa. Tình hình lúc đó thật sự rất khó khăn: Quần đảo Trường Sa ở rất xa đất liền, giữa biển khơi muôn trùng sóng gió; phương tiện tàu thuyền, trang bị vũ khí của ta cũng có hạn; môi trường chiến đấu đặc biệt khi địch ở trên đảo. Quân ta từ ngoài biển tiến công vào bao giờ cũng khó khăn hơn; không có quần chúng nhân dân hỗ trợ trực tiếp. Song bộ đội Hải quân, lực lượng đặc công và các lực lượng được phối hợp giao giao nhiệm vụ thực hiện giải phóng Quần đảo Trường Sa – những lực lượng được giáo dục, rèn luyện và kinh qua cả quá trình chiến đấu, luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu và lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hy sinh để giải phóng quần đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ coi đó vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng trách nhiệm cao và chính thời điểm đó đã phát huy cao độ tinh thần, ý chí để thực hiện bằng được nhiệm vụ trong các đợt tiến công giải phóng từng hòn đảo và cho đến giải phóng cả quần đảo. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Âu tàu đảo Trường Sa với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão (ảnh: TVP)

Sau ngày giải phóng, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.  Với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, Trường Sa hôm nay có hạ tầng cơ sở khá khang trang và ngày càng hiện đại. Các đảo nổi như Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn… đều có hệ thống nhà ở, trạm xá, trường học, trụ sở hành chính, đài truyền thanh, hệ thống điện mặt trời… Hệ thống đảo chìm, đảo đá cũng được đầu tư xây dựng với nhà ở kiên cố, trạm radar, đèn biển, cột mốc chủ quyền vững chãi giữa biển khơi. Sân bay Trường Sa lớn đã được mở rộng với đường băng 1.300m phục vụ máy bay vận tải và trực thăng. Huyện đảo có 4 âu tàu tại Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa và Sinh Tồn với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão. Trường học, bệnh xá được xây dựng khang trang. Nơi nào trên đảo cũng mướt một màu xanh, từ cảnh quan, cây trồng, đến vườn ươm, vườn rau trong khuôn viên của cán bộ, chiến sĩ. Các công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa, nhà văn hóa và nhiều công trình văn hóa khác trên các đảo được xây dựng, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho quân dân huyện đảo.

Xác định rõ ngư dân không chỉ là những người lao động trên biển mà còn là những “cột mốc sống”, khẳng định sự hiện diện thường xuyên và hợp pháp tại các vùng biển, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa, Nhà nước luôn khuyến khích ngư dân bám biển, phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ chủ quyền, đồng thời có các chính sách hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm ra khơi dài ngày, duy trì hoạt động khai thác hải sản bền vững trên các ngư trường truyền thống, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia một cách tự nhiên và bền vững. các lực lượng chức năng như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư luôn phối hợp chặt chẽ để bảo vệ an toàn, hỗ trợ ngư dân trong trường hợp gặp nạn hoặc bị xâm phạm quyền và lợi hợp pháp. Các chương trình “điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, tuyên truyền, hướng dẫn về luật pháp quốc tế, quyền và nghĩa vụ khi hoạt động trên biển đã giúp ngư dân tự tin hơn trong quá trình khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Vườn ươm trong chương trình “Xanh hóa Trường Sa” (ảnh: CTV)

Quần đảo Trường Sa – vùng đất thiêng liêng và máu thịt của Tổ quốc ta giữa Biển Đông, nơi mà mỗi hòn đảo, bãi đá đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và máu xương của bao thế hệ đã chiến đấu, giữ gìn.

Những ngày này, cùng với cả nước hân hoan chào mừng 50 năm giải phóng, quân và dân huyện đảo Trường Sa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, quyết tâm xây dựng huyện đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Hoàng Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM