Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông", với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là truyền thông. Việc áp dụng AI trong truyền thông không chỉ giúp tăng tốc độ và hiệu suất sản xuất nội dung, mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới. Tuy nhiên, con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng và giá trị của các nội dung truyền thông.

Trong phần tham luận, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số trao đổi về “Ứng dụng AI trong xây dựng nội dung phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ: Cơ hội và thách thức”; đại diện Công ty MISA giới thiệu những công cụ AI tiên tiến hỗ trợ việc tạo lập và quản lý nội dung một cách nhanh chóng và chính xác; đại diện ONNET GROUP trao đổi về cách sử dụng công nghệ AI vào hoạt động sản xuất nội dung báo chí, tuyên truyền;…
Tham luận về “Ứng dụng AI trong hoạt động Sản xuất tin tức và Video tự động dựa trên từ khóa”, TS. Phí Công Huy (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho biết, nhu cầu tự động tạo tin tức và sản xuất nội dung đang ngày càng gia tăng. Sự phát triển của AI, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), máy học và khai phá dữ liệu đang thúc đẩy việc tạo ra các bài báo, video, và nội dung truyền thông nhanh chóng và chính xác hơn. Việc tự động sản xuất nội dung không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn gia tăng tính tương tác và nâng cao hiệu quả truyền thông cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của thông tin, việc sử dụng AI trong sản xuất nội dung vẫn cần phải có sự giám sát và can thiệp của con người.

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong bài tham luận “Phân tích vai trò chiến lược của nội dung chất lượng trong việc truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ tới cộng đồng” đã nhấn mạnh: Nội dung chính là yếu tố quyết định trong việc giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng thực tế vào đời sống. Tuy nhiên, công chúng hiện nay có nhu cầu thông tin cao nhưng lại thiếu thời gian để tiếp nhận đầy đủ, đặc biệt là với những vấn đề khoa học và công nghệ có ngôn ngữ phức tạp. Để thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là đối với các chủ đề khoa học, truyền thông cần đa dạng hóa hình thức nội dung, như video, infographic, podcast, đồng thời kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội.

Trao đổi về giải pháp và xu hướng chuyển đổi số giúp cải thiện chất lượng và tốc độ sản xuất nội dung truyền thông, ông Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, không chỉ là giải pháp mà còn là điều kiện sống còn. Theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, 85% người dùng Internet Việt Nam ưu tiên nội dung số bằng tiếng Việt, trong đó: 70% mong đợi nội dung được cập nhật liên tục; 65% quan tâm đến nội dung video và multimedia; 60% ưu tiên nội dung được cá nhân hóa; 55% đọc tin tức qua mạng xã hội. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị truyền thông trong việc sản xuất nội dung chất lượng cao và với tốc độ đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Cần thay đổi nhận thức và tư duy làm nội dung trong kỷ nguyên AI, bởi chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là thay đổi về nhận thức và cách làm việc. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân sự hiểu đúng về cơ hội và thách thức của AI.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan như: Vai trò của AI trong việc cải thiện hiệu quả và tốc độ xây dựng nội dung phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; Những thách thức chính trong việc ứng dụng AI vào quá trình phổ biến kiến thức KH&CN; Ảnh hưởng của chuyển đổi số trong xuất bản đối với chất lượng và phạm vi phổ biến kiến thức; Tác động của AI trong sản xuất tin tức và video tự động đối với ngành truyền thông; Những rủi ro tiềm ẩn khi ứng dụng AI trong việc tạo nội dung phổ biến kiến thức; AI và khả năng giúp cải thiện việc tiếp cận kiến thức khoa học cho nhiều đối tượng khác nhau; Chuyển đổi số trong báo chí hiện đại và tác động của nó đến việc xây dựng nội dung kiến thức KH&CN; Sự cân bằng giữa AI và con người trong quá trình xây dựng nội dung chất lượng cao…
Việc ứng dụng công nghệ AI trong truyền thông hiện nay đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam là thiếu hụt đội ngũ nhân lực có đủ chuyên môn, sáng tạo và kỹ năng để sản xuất nội dung chất lượng cao. Hệ thống truyền thông hiện tại cũng thiếu sự quan tâm đúng mức đến các nội dung khoa học. Ngoài ra, ngôn ngữ chuyên ngành phức tạp và khó tiếp cận của các vấn đề khoa học là một rào cản lớn trong việc truyền tải thông tin đến công chúng…

Các chuyên gia đề xuất cần có sự hợp tác liên ngành giữa các nhà khoa học, nhà báo. Việc đào tạo đội ngũ sáng tạo nội dung và sử dụng công nghệ để biên tập, cá nhân hóa nội dung sẽ giúp cải thiện chất lượng thông tin, làm cho nó dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn đối với công chúng. Đặc biệt, việc kết hợp giữa AI và sự sáng tạo của con người có thể giúp tạo ra những nội dung truyền thông vừa chính xác, vừa có tính tương tác cao./.

Thu Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu