Vai trò của thế hệ trẻ trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Tạp chí Biển Việt Nam - Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người. Để giải quyết vấn đề này, cần tổ chức các hoạt động đào tạo thường xuyên để thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam đặc biệt là học sinh, sinh viên trong tiêu dùng bền vững cũng như các hành động vì môi trường.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ nhựa cao thứ ba ở Đông Nam Á với mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người là 41 kg vào năm 2015 (tăng gấp 10 lần so với năm 1990). Khảo sát do Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh Greenhub thực hiện cho thấy rác thải nhựa chiếm tới 92% tổng lượng rác thải thu gom trên các bãi biển Việt Nam. Thành phần rác thải nhựa chủ yếu bao gồm nhựa đã qua sử dụng một lần từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Hoạt động kiểm toán rác thải tại trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Huế.

Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế tại Việt Nam. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Theo một nghiên cứu về nhận thức, thái độ và thực hành của người tiêu dùng nhựa tại Việt Nam do WWF-Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện trong năm 2020 thì còn có nhiều người không chú ý đến các tác hại của rác thải nhựa, nhựa dùng 1 lần đối với môi trường tự nhiên. Phần lớn người tiêu dùng cho biết rằng nhựa dùng 1 lần là sản phẩm được kèm theo miễn phí mỗi khi họ mua sắm một sản phẩm, hàng hóa nào đó.  Cũng theo WWF- Việt Nam (2020), chỉ có chưa tới 3% những người được hỏi có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa và khoảng 10% ý kiến cho thấy họ có biết một phần về chương trình chống rác thải nhựa của Nhà nước. Đây chính là một bài toán thách thức lớn trong thời gian tới để tăng cường các chương trình truyền thông, vận động toàn xã hội thực hành giảm thiểu nhựa dùng một lần.

Nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về giảm thiểu rác thải nhựa

Một trong những giải pháp được thảo luận thường xuyên trong việc chống ô nhiễm nhựa là nâng cao nhận thức về cộng đồng, đặc biệt là thế hệ thanh niên nhằm thay đổi hành vi, thực hành vì môi trường và lối sống bền vững. Hành vi và thái độ về môi trường của thế hệ trẻ đóng vai trò rất quan trọng vai trò của nó trong hiệu quả bảo vệ môi trường nói chung. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa biển ở Việt Nam, việc thay đổi quan điểm là rất quan trọng.

Hành vi, thái độ và thực hành của thế hệ thanh niên Việt Nam về tiêu dùng bền vững cũng như hành động bảo vệ môi trường hàng ngày có thể được nâng cao một cách hiệu quả thông qua giáo dục môi trường chính thức trong trường học. Dự án “Giáo dục môi trường về chống rác thải nhựa biển – vai trò của thế hệ trẻ trong các trường học” do Mạng lưới Châu Á-Thái Bình Dương Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu tài trợ được thực hiện với mục đích nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ ở Việt Nam về tiêu dùng bền vững và giảm thiểu “dấu chân” nhựa.

Tập huấn về rác thải nhựa cho học sinh trường THCS Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Dự án bao gồm việc thiết kế các tài liệu tâp huấn, giảng dạy để tích hợp vào chương trình học tập chính thức trong nhà trường; thử nghiệm sử dụng tài liệu và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho người học nhằm thúc đẩy môi thực hiện mô hình trường xanh không rác thải. Dự án cũng đánh giá hiệu quả thông qua sự thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi của học sinh, sinh viên tham gia dự án, từ đó làm cơ sở đề xuất giải pháp chính sách tiến tới thực hiện mô hình trường học xanh, trường học không rác tại Việt Nam.

Dự án được thực hiện tại 03 địa điểm thử nghiệm bao gồm trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Huế, trường trung học cơ sở Nam Sơn, Sóc Sơn và trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham gia dự án, các bạn học sinh sinh viên của 3 trường đã được tham gia các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường nói chung và rác thải nhựa, tác hại của rác thải nhựa, giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa nói riêng. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa như những chuyến dọn rác bãi biển, các cuộc thi về môi trường, các hoạt động kiểm toán rác thải hàng ngày phát sinh tại trường cũng đã được thực hiện.

Hoạt động ngoại khóa clean-up.

Hầu hết các học sinh sinh viên tham gia dự án đều thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng về vấn đề môi trường và mong muốn được tiếp cận với các kiến thức về rác thải/rác thải nhựa và giảm thiểu rác thải/rác thải nhựa. Hơn 92%, 80% và 95% lần lượt sinh viên, học sinh THCS, học sinh tiểu học sau khi tham gia khóa đào tạo đều sẵn sàng tham gia như một tuyên truyền viên vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, gia đình về vấn đề rác thải/rác thải nhựa.

Điều này cho thấy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, điều quan trọng là phải tiến hành các hoạt động đào tạo thường xuyên để thay đổi KAP của thế hệ trẻ Việt Nam đặc biệt là học sinh, sinh viên trong tiêu dùng bền vững cũng như các hành động vì môi trường hàng ngày của họ.

Tuy nhiên, để sự thay đổi về kiến thức biến thành hành động và dần dần là thói quen tiêu dùng, lối sống xanh của thế hệ trẻ, cần có sự phối hợp tham gia của rất nhiều các bên liên quan như nhà trường, gia đình, xã hội. Đặc biệt, các chính sách trường học xanh, không rác thải cần được ban hành và chính thức hóa trong các hoạt động thường xuyên của các trường học. Hiện nay, hầu hết các hoạt động khuyến khích thực hiện trường học xanh, trường học không rác thải chỉ dừng lại ở mức độ các dự án của các đơn vị riêng biệt. Việc ban hành một chính sách chung, sự chỉ đạo từ các bộ ban ngành và sự thực hiện thường xuyên trong các trường học là rất cần thiết và quan trọng, nhằm hướng đến sự thay đổi toàn diện về kiến thức, thái độ, hành vi về rác thải nhựa nói chung và các vấn đề môi trường nói chung của thế hệ trẻ Việt Nam.

Bạch Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu