Xây dựng “tinh thần thép” cho cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1, bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía nam của Tổ quốc
Khu vực biển thềm lục địa phía Nam của nước ta có diện tích khoảng 80.000km2. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng – an ninh – kinh tế; là khu vực có nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc biệt rất giàu có về tài nguyên khoáng sản, án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế đông đúc bậc nhất thế giới qua Biển Đông. Có thể nói, nếu như Quần đảo Trường Sa là phên dậu án ngữ phía Đông của Tổ quốc, thì khu vực thềm lục địa phía Nam chính là phên dậu bảo vệ phía Nam. Chính từ vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh -kinh tế như vậy nên nước ngoài thường xuyên sử dụng các loại tàu nghiên cứu, tàu giả dạng khai thác hải sản, tàu chiến đấu, tàu khai thác hải sản vào thăm dò địa chất, trinh sát và đánh bắt hải sản trái phép. Do đó, ngày 05/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ tại khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, mà điểm nổi bật là xây dựng hệ thống nhà giàn trực triếp đóng giữ trên biển. Từ đó đến nay, nhiệm vụ đóng giữ trên các nhà giàn được giao trực tiếp cho cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Để những nhà giàn vững vàng giữa khơi xa, trên thềm lục địa của Tổ quốc là “tinh thần thép” của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn DK1. Các anh đã vượt mọi khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy, hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, sự uy hiếp, nhòm ngó của nước ngoài trên khu vực, kiên cường bám trụ, quyết tâm giữ vững vùng biển của Tổ quốc nơi đầu sóng, đồng thời khẳng định chủ quyền “bất khả xâm phạm” trên thềm lục địa phía Nam của đất nước.
Khu vực biển DK1 cách đất liền khoảng 250 – 350 hải lý, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phía Đông Bắc và Đông giáp quần đảo Trường Sa, phía Nam là vùng biển của Việt Nam và giáp vùng biển Malaysia, Indonesia, phía Tây là khu vực biển Quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam của nước ta.
Từ năm 1985, Đô đốc Giáp Văn Cương, khi đó là Tư lệnh Hải quân đã dự báo trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa và thềm lục địa phía Nam không được bình yên và sẽ là một điểm nóng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, thực tiễn chiến tranh vệ quốc của dân tộc cho thấy, các cuộc xâm lược nước ta phần lớn đến từ đường biển nên cần bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển. Ý tưởng xây dựng nhà nổi được Đô đốc Giáp Văn Cương trình lên Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngay sau đó, đề xuất được Đảng và Nhà nước ta thông qua, đồng thời những nhà giàn trên các bãi cạn thềm lục địa phía Nam bắt đầu hình thành.
Nhà giàn DK1 xây trên bãi san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, vì vậy được đánh giá là công trình phi thường, “chưa từng có tiền lệ trên thế giới”. Hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng trên các bãi cạn Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè, Cà Mau. Mỗi nhà giàn là một trạm Dịch vụ – Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật (DK1). Bên cạnh nhiệm vụ hướng dẫn, thông báo hàng hải cho tàu thuyền đi lại, nghiên cứu khí tượng thủy văn khu vực, hỗ trợ hoạt động kinh tế biển, làm nơi trú tránh bão và ứng cứu, hỗ trợ ngư dân, thì nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa, là phên dậu rào chắn từ vùng biển phía Nam của Tổ quốc.
Thời gian đầu mới thành lập, cuộc sống sinh hoạt, công tác của những người lính nhà giàn gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, quanh năm nắng nóng, bão tố, đời sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Khó khăn nhất của người lính DK1 lúc ấy chính là nước ngọt và rau xanh. Có những khi sóng lớn, tàu trực cũng không thể đưa xuồng vào tiếp tế lương thực lên nhà giàn. Vì thế thức ăn chủ yếu của cán bộ chiến sĩ là đồ hộp, lương khô. Tất cả hoạt động của cán bộ chiến sĩ đều diễn ra trong phạm vi gần 150 mét vuông của nhà giàn, lại luôn phải đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mặt biển. Mỗi cơn bão quét qua, mỗi đợt sóng to gió lớn là nhà giàn rung lắc mạnh. Đã có 5 nhà giàn thế hệ cũ bị bão tố làm đổ, 18 cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhà giàn và 2 cán bộ chiến sĩ đơn vị tàu đã anh dũng hy sinh.
Hàng ngày, CBCS nhà giàn không chỉ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với những hiểm nguy, căng thẳng với âm mưu của nước ngoài tiến hành các hoạt động trái phép trong khu vực. Vùng biển DK1 rộng lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loài thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, là ngư trường đánh bắt truyền thống của bà con ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn. Chính vì vậy, các thế lực từ bên ngoài luôn dòm ngó vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước ta. Khu vực vùng biển DK1 nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế, tuyến đường hàng hải chính ở Biển Đông. Đây là khu vực biển nhạy cảm và hết sức phức tạp, các thế lực bên ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến và thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm quyền chủ quyền của ta ở khu vực thềm lục địa phía Nam, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông. Ngoài ra có nhiều tàu cá nước ngoài xuống đánh bắt trái phép hải sản ở khu vực này. Bởi vậy, công tác bảo vệ các nhà giàn luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.
Dù luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhưng với ý chí quả cảm, quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn luôn cảnh giác, kiên cường bám trụ, vững chắc tay súng, hiên ngang canh giữ biển trời, theo dõi chặt chẽ các hoạt động trái phép của tàu nước ngoài, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ trạm, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. 35 năm qua (kể từ khi thành lập ngày 05/7/1989), các nhà giàn DK1 đã phát hiện hàng ngàn lượt tàu, thuyền qua lại khu vực, đồng thời phối hợp cùng tàu trực xua đuổi hàng trăm lượt tàu nghiên cứu, thăm dò trinh sát của nước ngoài; quan sát, phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát nước ngoài, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy các cấp để xử lý.
Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo của ta, nhất là các luận điệu về khu vực thềm lục địa; bóp méo, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo, về xử lý các tình huống trên biển; xuyên tạc, hạ thấp vai trò của lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng Hải quân với công tác bảo vệ biển đảo; thổi phồng sức mạnh của Hải quân một số nước nhằm lung lạc tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, nhất là bộ đội nhà giàn DK1. Trước tình hình đó, Đảng ủy BTL Vùng 2 Hải quân luôn xác định chốt giữ, bảo vệ chủ quyền trên các nhà giàn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt trong tình hình hiện nay. Đảng ủy, BTL Vùng 2 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm mỗi nhà giàn là một pháo đài, là một trận địa vững chắc, đặc biệt là công tác xây dựng đảng, trong đó tập trung xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng. Vì vậy, 100% cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn yên tâm công tác; thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ trực; không để bị động bất ngờ, chủ động phát hiện sớm từ xa các loại mục tiêu. Để xây dựng được “tinh thần thép” cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã có nhiều biện pháp, cụ thể là:
Thứ nhất, tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, niềm tin, lòng trung thành tuyệt đối, vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, ý chí quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Với đặc thù là lực lượng trực chốt giữ bảo vệ khu vực biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, thường xuyên đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm, điều kiện sóng to, gió lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 cần phải có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó Đảng ủy, BTL Vùng 2 Hải quân đã xác định xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội là vấn đề cốt lõi, có tính quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện tốt nội dung này Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tăng cường công tác giáo dục cho bộ đội quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đối tượng, đối tác, nhiệm vụ của đơn vị và những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu của “nước ngoài” đối với Biển Đông. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị và đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phục vụ giáo dục chính trị.
Xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cao; xác định tốt chức trách, nhiệm vụ, chủ động khắc phục khó khăn, trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào, dù khó khăn phức tạp đến đâu cũng luôn vững vàng, kiên định; không mắc mưu “diễn biến hòa bình”, không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa được phân công.
Thứ hai, tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục chính trị gắn với giáo dục truyền thống của Quân chủng Hải quân, Vùng 2 Hải quân, Tiểu đoàn DK1 cho cán bộ chiến sĩ theo hướng “1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất”: Giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành, bổ trợ; dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất. Đồng thời biên soạn các bài giảng chính trị qua đĩa DVD, xem phim tư liệu; kể những tấm gương anh dung nhưng thầm lặng của bao đồng đội. Từ trong gian khổ, thử thách, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đã tỏ rõ sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ nhà giàn. Đó là tấm gương Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Chuẩn úy Lê Đức, Phạm Tảo, Nguyễn Văn Từ, Lê Tiến Cường, Ngô Sĩ Nga, Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hạnh và nhiều tấm gương khác bất chấp giông bão, kiên quyết không rời nhà giàn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh trực chốt và anh dũng hi sinh tại vùng biển thềm lục địa phía Nam.
Phát huy tinh thần anh dũng của các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển, thềm lục địa, các cơ quan, đơn vị Vùng 2 Hải quân đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, công tác bảo vệ vùng biển, chủ quyền ngày càng vững chắc, tất cả cán bộ, chiến sĩ Vùng đều đồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, nhiệm vụ của Vùng ngày càng nặng nề, có nhiều nhiệm vụ mới khó khăn, song qua thực tế lãnh đạo và tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đặc biệt, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên một bước, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhiều tập thể, cá nhân là những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, để vừa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, thềm lục địa, vừa giữ vững môi trường hòa bình trên biển, Đảng ủy, BTL Vùng 2 Hải quân luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa bằng giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh tổng hợp cả đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử. Đấu tranh bảo vệ một cách linh hoạt theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế như Công ước quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong xử trí các tình huống phải đúng đường lối quan điểm của Đảng, đúng đối sách, luôn bình tĩnh, khôn khéo, kiềm chế, với tinh thần “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền biển đảo, tạo sự đồng thuận cao, quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đặc biệt làm cho mọi người dân hiểu biết đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ trên biển; về những mưu đồ, và hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta.
Thứ tư, tăng cường rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”; “mỗi nhà giàn là một pháo đài vững chắc”. Chú trọng công tác huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ bám sát theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tập trung huấn luyện đồng bộ các kỹ năng để cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thực sự làm chủ, nắm chắc các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ cho thông tin liên lạc, xử trí tốt tình huống trên không, trên biển và các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó đặt ra các tình huống phức tạp, gay cấn để thử thách, tôi rèn trí lực, nghị lực, tâm lực, sức khỏe, qua đó bồi dưỡng tác phong, phong cách tư duy độc lập, sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học để cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn luôn có quan điểm đúng, luôn tự tin trong tiếp nhận và ứng phó thắng lợi trước các tình huống bất ngờ; không bị động trước các thông tin sai trái, xấu độc, trái chiều. Đó là giải pháp hiệu quả để tạo “hệ miễn dịch”, giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt “4 không”: “Không nghe, không xem, không đọc, không tin” những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Để đối phó với những cơn bão có sức công phá lớn, hàng tháng, hàng Quý, Đảng ủy, BTL Vùng 2 Hải quân lãnh đạo, chỉ đạo Chỉ huy Nhà giàn DK1 thường xuyên tổ chức huấn luyện cho các cán bộ, chiến sĩ phương án ứng phó, xử lý tình huống chống bão, sóng thần khi bão đổ bộ vào. Nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu ra nhà giàn công tác, ban đầu chưa quen cuộc sống “lưng chừng” biển và trời, nhưng sau thời gian huấn luyện cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn ý chí chiến đấu; qua sự động viên của thủ trưởng cấp trên, chỉ huy trực tiếp của đơn vị cũng như được nghe những câu chuyện về cách ứng phó với bão của các chú, các anh đi trước truyền lại đã cho mỗi cán bộ chiến sĩ có thêm ý chí, bản lĩnh, tinh thần để đối diện với những khó khăn, nguy hiểm; tiếp thêm niềm tin, nghị lực và cả các phương pháp để đối phó với những cơn bão lớn một cách an toàn.
Thứ năm, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ các cấp; tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì; tiếp tục thực hiện chỉ thị 05 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân”; đồng thời chú trọng làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng trước khi ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, mỗi cán bộ chiến sĩ xác định rõ nhiệm vụ và vai trò vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của thềm lục địa phía Nam trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và đối ngoại của nước ta. Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 luôn thể hiện quyết tâm cao, nêu cao bản lĩnh chính trị, vững vàng vượt gian khó để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Thực tế chứng minh, việc thành lập Tiểu đoàn DK1 là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Qua nhiều thời điểm khác nhau với nhiều thế hệ nhà giàn, đến nay, 15 nhà giàn DK1 như những “chốt tiền tiêu”, “mắt thần” tạo thành phên giậu, lá chắn thép, khẳng định chủ quyền Tổ quốc.
Trải qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, xương máu, mồ hôi, bản lĩnh, trí tuệ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc; viết nên truyền thống vẻ vang: “Kiên cường, dũng cảm; Vượt mọi khó khăn; Đoàn kết, kỷ luật; Giữ vững chủ quyền”. Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trọng trách to lớn mà thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân hôm nay đang nối tiếp truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, vững vàng giữa khơi xa với ý chí quyết tâm và bản lĩnh, “tinh thần thép”, bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với tinh thần: “Còn người, còn nhà giàn”.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011
4. Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội 2015.
5. Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam (DK1), Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân, Hải phòng, năm 2023.
6. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Vùng 2 Hải quân, nhiệm kỳ 2020 – 2025.