Đông đảo người làm nghề tề tựu về Cù Lao Chàm tham dự Lễ giỗ tổ nghề Yến

Tạp chí Biển Việt Nam - Giỗ tổ nghề Yến là sự kiện thường niên được Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm tổ chức ở Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - nơi thờ phụng miếu tổ nghề, được xây dựng và hoàn thiện vào thế kỷ XIX.
Bà con nuối yến chụp hình lưu niệmLà lễ hội truyền thống dân gian lâu đời ở đất Hội An “địa linh nhân kiệt”, Lễ giỗ tổ nghề Yến thường được tổ chức trùng vớimùng 10 tháng 3 âm lịch – tức ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đây được xem là hoạt động cầu an đầu năm mới, rước nhiều phước lộc, may mắn đối với những người làm nghề, đồng thời bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm các bậc tiền nhân có công trong việc phát triển và khai thác nghề yến sào tại địa phương.

Chương trình năm 2024 diễn ra vào ngày 18/4 với sự góp mặt của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban truyền thông Hiệp Hội Yến sào Việt Nam; ông Nguyễn Duy Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội Yến sào Việt Nam, Phó Chi Hội Yến sào tỉnh Ninh Thuận; cùng đông đảo người làm nghề nuôi yến thập phương tề tựu về địa phương tham dự buổi kính lễ, dâng lên vật phẩm tri ân tiền nhân.

Lễ dâng hương cúng tổ
Đây không chỉ là hoạt động linh thiêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những ai trong nghề, thời điểm diễn ra Giỗ tổ nghề Yến ở Hội An còn là khoảng thời gian lễ hội với phần lớn bà con trong vùng. Bên cạnh nghi lễ nghinh thần, rước vọng với kiệu… rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn như hô hát bài chòi, chơi đập nồi, giao lưu lửa trại, hội chợ ẩm thực,… cũng được tổ chức, nhận được nhiều sự quan tâm, đón nhận nhiệt thành từ người dân và du khách trong nước lẫn quốc tế.
Tương tự như câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”, dường như đối với cộng đồng người nuôi yến sào trên khắp mọi miền Tổ quốc, lễ giỗ tổ nghề đã trở thành một phong tục tâm linh truyền đời, đặc biệt in sâu trong tâm tưởng. Do đó, hằng năm, dù mỗi cá nhân, người làm nghề, các thành viên của Hiệp Hội Yến sào Việt Nam, các Chi hội Yến sào có bận rộn đến đâu, họ luôn dành thời gian sắp xếp tề tựu về Miếu thờ dâng hương, kính lễ, gìn giữ nét truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đạo lý uống nước nhớ nguồn quý báu của dân tộc.
Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chia sẻ những kỹ thuật trong nghề nuôi yến, trao đổi về những câu chuyện nghề, chuyện đời thường, tạo động lực thúc đẩy ngành yến sào Việt Nam ngày càng phát triển ổn định.
Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu