Công tác khuyến công ở Hà Nội trước bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (tính đến tháng 4/2024), trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6 nhóm nghề, trong đó sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (thuộc nhóm nghề 2) có 22 làng nghề. Đa số các làng nghề và làng có nghề TCMN đều tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm, đạt doanh thu từ 10 – 20 tỷ đồng/năm, nhiều làng nghề đạt từ 20 – 50 tỷ đồng/năm.
Xuất khẩu sản phẩm TCMN là lĩnh vực mang lại lợi ích kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA. Theo đó là những tiêu chí về đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu,…
Để sản phẩm làng nghề TCMN có được đầu ra ổn định, cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt tìm kiếm thị trường cho sản phẩm TCMN.
Hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành, nghề có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng phát triển thị trường trong nước và có thế mạnh xuất khẩu, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình Khuyến công trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Công Thương và sự phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiến hành cung cấp thông tin bằng hình thức thu thập, cập nhật, nhiều hành ảnh, hoạt động, thông tin các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được đăng tải trên trang Website Trung tâm Khuyến công, nhằm tư vấn giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, hội trợ, triển lãm quảng bá sản phẩm, công tác khuyến công đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh TCMN tìm kiếm các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước.
Các chương trình tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, bình chọn sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn hàng năm không chỉ nhằm phát hiện các sản phẩm có giá trị chất lượng, mang tính sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển, mà qua đó còn nhằm tôn vinh những thợ giỏi, nghệ nhân có tay nghề kỹ thuật cao…
Tất cả các hoạt động đó đều hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh để tiếp cận thị trường thế giới, từng bước ổn định thị trường xuất khẩu sản phẩm TCMN, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô./.