Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn lần này là một bước quan trọng nhằm phổ biến rộng rãi những thành tựu công nghệ sinh học đã ứng dụng vào nông nghiệp. Các thành tựu này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế.
Diễn đàn lần này được tổ chức cũng nhằm đánh giá các thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời thảo luận về những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh : BTC
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, để vượt qua những thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ sinh học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu mới. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ sinh học cũng là một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về các thành tựu nổi bật, trong đó đáng chú ý là việc cải tiến giống cây trồng thông qua ứng dụng công nghệ sinh học. Nhiều giống cây mới đã được phát triển với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Công nghệ sinh học cũng đã được ứng dụng vào việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ vi sinh đã được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, từ đó nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác.
Theo TS Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học. Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao. Ảnh : BTC
Chia sẻ tại Diễn đàn về vai trò công nghệ sinh học trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới đang phải đối diện với những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ Sinh học CropLife Châu Á đánh giá cao định hướng và những chương trình hành động của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp cây trồng CNSH, thể hiện qua nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong điểm, nỗ lực hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như quá trình rà soát và hoàn thiện quy trình quản lý để phát huy tối đa lợi ích của các giải pháp này. Việt Nam hiện là một trong những nước có khung pháp lý đối với cây trồng chuyển gen tiên tiến nhất trên thế giới. Tổ chức CropLife mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành trong những chương trình hợp tác công tư để giới thiệu những thế hệ cây trồng CNSH tiếp theo tới nông dân trong nước, giúp họ có thêm nhiều công cụ canh tác cải tiến để thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình – đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. /.