Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII có nhiều ý kiến sâu sắc

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 13/12, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII bước sang ngày làm việc thứ 2, tại Kỳ họp có nhiều ý kiến sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh Kỳ họp
Dự kỳ họp có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Trên cơ sở gợi mở thảo luận của Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên chiều 12/12, các đại biểu đã tập trung phân tích để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được năm 2024.
Các ý kiến thảo luận tại kỳ họp đã thể hiện sự đồng tình với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024. Các đại biểu cho rằng: Năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thu ngân sách, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là công nghiệp, tiếp đến là xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp…
Các đồng chí chủ tọa kỳ họp
Trong đó, nguồn thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt cao so với dự toán và chỉ tiêu được giao. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn và đạt cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế bảo vệ môi trường; tiền thuế giá trị gia tăng mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn…
Đạt được kết quả trên, có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm. Đó cũng là kết quả của sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với việc thảo luận làm rõ hơn những kết quả đạt được năm 2024, các đại biểu cũng tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Từ đó soi chiếu vào từng lĩnh vực, ngành mình, để tìm những biện pháp khắc phục; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp năm 2025.
Vẫn còn “lực cản” trong thực hiện mục tiêu đưa Thanh Hóa thành tỉnh công nghiệp
Công nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa. Đó là nhận định của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Theo đại biểu, để có mức tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước, lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới hơn 50%, điều này cho thấy kinh tế của tỉnh dựa nhiều vào công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh chưa có nhiều thay đổi, vẫn là những sản phẩm truyền thống được mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng, chưa thu hút được sản phẩm mới. Một số sản phẩm mới gia tăng không đáng kể. Đây là một trong những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục để tạo xung lực cho sự phát triển.
Đại biểu cũng chỉ rõ: Tiến độ triển khai ở nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tiến triển, song vẫn còn chậm, dẫn đến thiếu mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được tỉnh, ngành chức năng nhận diện rõ và đã có sự chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Từ những điều này cho thấy, những tiền đề và điều kiện để phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp vẫn còn hạn chế, bấp cập, cần sớm được tháo gỡ.
Đại biểu Cao Tiến Đoan
Theo đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay giá vật liệu xây dựng là một trong những điểm nóng, mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu, không đáp ứng đủ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án một cách an toàn, thuận lợi.
Bên cạnh khó khăn về giá vật liệu xây dựng, hiện nay các doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn phải chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Điều này gây khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhiệp, nhà đầu tư. Để tránh tình trạng “ngành nào biết ngành đó”, thiếu sự liên thông và cập nhật đồng bộ trong hệ thống, đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sớm có giải pháp thiết thực, giải quyết kịp thời vấn đề này.
Cũng theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh, hiện có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu, 17 nghìn doanh nghiệp đã thành lập nhưng không phát sinh doanh thu. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời, có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất hơn.
“Kéo” thêm động lực tăng trưởng mới để duy trì tốc độ thu ngân sách
Năm 2024, với nhiều giải pháp quyết liệt, Thanh Hóa đạt được thành quả cao nhất về thu ngân sách từ trước tới nay với số thu dự ước đến hết ngày 31/12/2024 đạt 55.300 tỷ đồng, vượt 55% dự toán được giao; trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 21.000 tỷ đồng và thu thuế nội địa đạt 34.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa, qua theo dõi của ngành thuế, thu ngân sách của tỉnh nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào 2 nguồn thu chính là thuế nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất. Hai động lực chính này liên tục chiếm tới 64-69% tổng thu ngân sách toàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2024. Năm 2024, con số này ước tính là 68% khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành vượt công suất, nguồn dầu thô nhập cao hơn các năm trước.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2025 dự báo vẫn rất nhiều thách thức; các nguồn thu thuế từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất đã phát huy rất cao dư địa khai thác trong nhiều năm nay, đại biểu đề xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng thu ngân sách các năm tiếp theo, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nâng cấp sân bay Thọ Xuân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi cho thu hút đầu tư.
Đối với phát triển hạ tầng KCN, CCN, toàn tỉnh hiện có Khu Kinh tế Nghi Sơn với 23 phân KCN. Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 19 KCN và 126 CCN. Tuy nhiên, “bức tranh” hạ tầng KCN, CCN vẫn còn dang dở khi mới chỉ có 7 KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với các dự án lớn và 2 CCN đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng; 6/8 KCN ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa được đầu tư đồng bộ theo đúng quy định.
Đại biểu Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa.
Đại biểu Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa kiến nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên và người lao động công tác tại các huyện miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi không còn xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Từ đó góp phần thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích người lao động yên tâm công tác gắn bó lâu dài, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo đại biểu, triển khai Quyết định 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số xã khu vực III trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm sâu, tuy nhiên điều kiện kinh tế – xã hội nói chung ở những xã này chưa có nhiều thay đổi.
Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đồng nghĩa cán bộ, giáo viên công tác tại những xã này không còn được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập. Nhiều cán bộ, giáo viên công tác lâu năm đã xin chuyển công tác về miền xuôi, thậm chí có giáo viên xin ra khỏi ngành. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các huyện miến núi trong năm học 2024-2025…
Phát biểu cuối phiên thảo luận, thay mặt Đoàn chủ tọa kỳ họp, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao 21 ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp vào báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của UBND tỉnh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; các báo cáo giám sát của các Ban HĐND tỉnh; các tờ trình trình tại kỳ họp.
Nhiều ý kiến có chất lượng, thảo luận sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được năm 2024, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế; phân tích, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện và đề xuất, kiến nghị tỉnh nhiều vấn đề nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu