Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành xuất bản


Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lỗi lạc, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, đi vào lịch sử như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) – ngay từ khi mới ra đời, đã có tiếng vang lớn trong nhân dân Pháp và nhân dân các dân tộc thuộc địa; Đường cách mệnh (1927) – được công nhận là bảo vật quốc gia, đã góp phần trang bị cho nhân dân ta hệ tư tưởng mới của thời đại và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, tác phẩm là một trong những văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, là nền tảng cho đường lối của cách mạng Việt Nam sau đó. Người đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển nền xuất bản cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã nhận thức rõ và phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của xuất bản, một công cụ quan trọng để phục vụ sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội mới, đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng, giáo dục và nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng nhân dân.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Người luôn xác định, xuất bản là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc thức tỉnh cả dân tộc đang bị áp bức, bóc lột, dẫn dắt nhân dân đứng lên làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, dưới dự lãnh đạo của Đảng, ngành xuất bản cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong giáo dục, khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng cho nhân dân và là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, ngành xuất bản tiếp tục thể hiện vai trò vai trò trọng yếu trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, vai trò nòng cốt trong việc cung cấp tri thức, đổi mới tư duy lý luận, tuyên truyền sâu rộng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra, qua đó, đề xuất các giải pháp vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản để xây dựng, đổi mới, phát triển ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong bài tham luận “Học tập kỹ năng diễn đạt của Hồ Chí Minh trong công tác biên tập bản thảo”, Thạc sĩ Hoàng Thị Huệ – Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam, khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về sử dụng ngôn từ. Kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ của Người là chuẩn mực để đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập báo chí, xuất bản học tập, trau dồi. Tìm hiểu và học tập cách diễn đạt của Người sẽ giúp cho chúng ta nâng cao nhận thức, trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng biên tập, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi cán bộ biên tập và nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất bản.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển ngành công nghiệp xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Đồng thời, đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay. Những giải pháp tập trung vào việc phát huy vai trò của ngành xuất bản trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các xuất bản phẩm; đẩy mạnh truyền thông; coi trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành xuất bản; ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xuất bản…

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo các nhà xuất bản, trước hết phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành xuất bản phát triển để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều ý kiến tâm huyết, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong hội thảo là cơ sở để các nhà xuất bản, đơn vị in, phát hành sách trên cả nước, cùng các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của ngành xuất bản./.
