Ninh Bình: Kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh đối với ngành du lịch.
Được sự quan tâm, ủng hộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, cùng với sự nỗ lực kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, ngành du lịch đã đánh dấu một năm phục hồi mạnh mẽ và phát triển vượt bậc. Ngành đã tham mưu triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là tập trung xúc tiến phát triển thị trường du lịch mới, triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch góp phần tạo động lực, khí thế huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong việc phát triển, làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp, do vậy du lịch Ninh Bình đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ.
Năm 2024, du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh ước đón 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 30% so với 2023. Doanh thu từ du lịch đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023. Hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình được quảng bá rộng rãi ở cả trong và ngoài nước. Ninh Bình đã trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được sự ghi nhận nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế, nổi bật như: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024: Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí quốc tế Forbes xếp hạng Ninh Bình vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”; Quần thể danh thắng Tràng An được Kotler Award bình chọn là “điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới”.
Đặc biệt, ngành du lịch đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, địa phương về phát triển du lịch: Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nghị quyết 07 phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Đề án Phát triển du lịch Ninh Bình 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; NQ số 02 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An; Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND hỗ trợ phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2023-2030. Thực hiện NQ105, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 63 tổ chức, cá nhân, với kinh phí trên 620.000.000 đ. Nghị quyết được triển khai có hiệu quả, bước đầu hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khích lệ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch bứt phá, phát triển đúng định hướng, có hiệu quả.
Với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nỗ lực phấn đấu đưa Ninh Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, thực sự là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thi di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch, sáng tạo. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình ước đón trên 9,1 triệu lượt khách, trong đó có 02 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030, ước đón 12 triệu lượt khách, trong đó có 03 triệu lượt khách quốc tế.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, khắc phục những hạn chế, khó khăn và thực hiện tốt công tác quản lý điểm đến, ngành du lịch Ninh Bình xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ, sực độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ; Phải có những sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng riêng có gắn với các giá trị văn hóa, giá trị di sản cố đô Hoa Lư, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An; Phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm gắn với các tri thức bản địa, di sản văn hóa của tỉnh.
Tiếp tục mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu du lịch Ninh Binh thông qua bộ nhận diện thương hiệu Ninh Bình – Tuyệt sắc miền Cố đô. Chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch bằng chính chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp, môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, hiếu khách, điều này có yếu tố quyết định đến sự quay lại của khách du lịch. Do đó ngành du lịch sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng các phóng sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển du lịch, nhất là thái độ, kỹ năng, ứng xử thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương. Đề nghị các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ trong việc xây dựng môi trường du lịch Ninh Bình, trở thành mô hình mẫu mực về phát triển du lịch cộng đồng, mỗi người dân trở thành một đại sứ, hướng dẫn viên du lịch.