Cô không đồng ý như thế đâu!
Một ngày đầu thu. Tiếng trống ra chơi vừa dứt, tôi bước vào phòng chờ của giáo viên thì bạn Xuân Lan hớt hải chạy vào:
– Em thưa cô! Bạn Tiến với bạn Huy đánh nhau, cô lên giải quyết ạ!.
Tôi bước qua lớp 9A1. Lớp trưởng Toàn và mấy bạn đứng ngăn hai khuôn mặt đỏ au đang gườm gườm nhìn nhau.
Hít một hơi dài, tôi điềm tĩnh bảo:
– Ừ, thôi! Toàn và các em cứ ra sân chơi đi để cô nói chuyện với hai bạn một chút.
Nghe lời tôi, các em tản đi. Câu chuyện cũng chẳng có gì… Nghe xong, tôi nói: “Cô không đồng ý như thế đâu! Giờ hai em về chỗ ngồi, nghĩ về cô, về lớp mình và về cái cách các em phản ứng hôm nay. Hết tiết 5, cô sẽ nghe hai em nói”.
Bình tĩnh rời đi, tôi yên tâm rằng các trò Tiến và Huy sẽ nghiêm túc kiểm điểm lại mình.
Hình ảnh 2 cậu nhóc tíu tít bên nhau trong giờ lao động sau đó đã nói lên điều ấy. Lũ trẻ mà, giận rồi thương trong phút chốc ấy thôi!
Lâu nay, tôi đã xây dựng được mối quan hệ tình cảm tin cậy thầy – trò không chỉ ở lớp tôi chủ nhiệm mà còn cả ở các lớp tôi dạy bộ môn nữa. Tôi đã nói đúng, làm theo đúng với câu “cô không đồng ý như thế đâu” mà năm xưa cô Nguyễn Ngọc Anh (cô giáo chủ nhiệm của tôi cách đây gần 30 năm) thường nói khi lớp có “sự cố”.
Tôi không bao giờ quên ơn cô Nguyễn Ngọc Anh đã dạy dỗ, để hôm nay tôi trở thành một giáo viên tốt, được phụ huynh và học sinh tin yêu. Tôi đã học được ở cô rất nhiều, những bài học về sự chuyên cần, nghiêm túc trong giảng dạy; những cách nắm bắt tâm lý để xử trí các tình huống giáo dục.
Khi các trò mắc lỗi, cô thường nhẹ nhàng mà nghiêm khắc nói đúng một câu: “Cô không đồng ý như thế đâu”. Trong lớp, trò nào có hoàn cảnh ra sao cô đều nắm biết nên khiến lũ “trẻ trâu” đang tuổi nổi loạn chúng tôi dần vào nếp kỷ luật, chăm ngoan. Cô chẳng bao giờ lớn tiếng mắng học trò mà chỉ nói mỗi câu “thần chú” vậy, rồi từ từ hỏi han, phân tích, khuyên nhủ với thái độ tin cậy. Với cách “lạt mềm buộc chặt” đó, dù “nhất quỷ nhì ma” nhưng sau đó chúng tôi đều hiểu ra là cái gì nên, cái gì không nên.
Cô được học sinh kính phục và phụ huynh tin yêu. Các bậc cha mẹ thường khoe con với vẻ tự hào khó giấu: “Con tôi năm nay học lớp… do cô Ngọc Anh chủ nhiệm đấy”. Cô Ngọc Anh đã trở thành hình tượng, mơ ước tương lai của chúng tôi. Giờ đây tôi đã trở thành cô giáo, lại vận dụng những bài học kinh nghiệm giảng dạy, chủ nhiệm lớp của cô để từng bước trưởng thành.
Hơn 30 năm mang sứ mệnh “trồng người”, những lứa cây non năm xưa cô chăm chút giờ đã trưởng thành. Nhiều bạn đã là nhà quản lý giáo dục, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân…; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ hoặc cấp hàm cao trong công an, quân đội. Hiện cô là giáo viên giỏi cấp tỉnh, có học vị thạc sĩ. Là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên.
Ngoài ra, cô vẫn trực tiếp đứng lớp một số tiết và luyện thi đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế của tỉnh. Cùng ban giám hiệu, cô đã xây dựng hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Cô đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng chuyên môn và đổi mới quản lý giáo dục thông qua kế hoạch chuyên môn nghiệp vụ chi tiết, các quy chế, quy định cụ thể.
Nhờ vậy, nhiều năm liền Đảng bộ nhà trường liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trường tiên tiến xuất sắc của ngành, nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Cờ thi đua xuất sắc của UBND Tỉnh, của Bộ GD-ĐT, của Thủ tướng Chính phủ…
Với tấm gương nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô cũng tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý trường học, cấp học. Kiên trì tìm tòi đổi mới, vận dụng đúng đắn phương pháp dạy học tích cực vào thực tế. Xây dựng các chuyên đề bộ môn để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong ngôi Trường THPT chuyên Hưng Yên, “lá trầu mặt” của tỉnh.
Cô Nguyễn Ngọc Anh còn tập trung nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm chuyên môn. Và tham gia chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Đồng thời quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức các hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ, nghiên cứu khoa học, ngoại khóa, giáo dục hướng nghiệp. Không chỉ về văn hóa mà trong các cuộc thi văn nghệ, đại hội thể dục thể thao, các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và quốc gia, học sinh của trường luôn đạt nhiều thành tích cao.
Tính đến nay, Trường THPT chuyên Hưng Yên đã có 924 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 15 giải Nhất; nhiều học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế các môn hóa, vật lý, tin học (có 1 học sinh đoạt huy chương Đồng thi học sinh giỏi quốc tế môn hóa học tại Vương quốc Anh); tham gia thi học sinh giỏi khoa học – kỹ thuật quốc tế (có một đề tài đạt giải Nhất).
Cô đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của Bộ GD-ĐT tặng về thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế; bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong phong trào thi đua “giỏi việc trường – đảm việc nhà”; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào thi đua “lao động giỏi – lao động sáng tạo” 5 năm (2005 – 2010)…
Tôi tự hào là một cây non được vững chãi lớn lên trong vòng tay yêu thương của cô Ngọc Anh. Mỗi lần nhớ về cô, tôi bâng khuâng tự hỏi: nếu không được làm học sinh của cô năm ấy, liệu mình có thể trở thành một người giáo viên như bây giờ? Phải chăng cô chính là ngọn đuốc sáng soi đường cho mình trên con đường học vấn đầy gian khổ, vượt qua những cám dỗ, thách thức lứa tuổi “nổi loạn” để trở thành học sinh khá giỏi, chăm ngoan, thành cô giáo đứng trên bục giảng giống cô giáo chủ nhiệm của mình năm xưa!
Ngô Hương