Bình Thuận quyết tâm trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á

Tạp chí Biển Việt Nam - Những năm qua, du lịch Bình Thuận đã có nhiều sự đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Nhiều lợi thế phát triển du lịch

Thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận đường bờ biển trải dài đến 192 km; nhiều bãi tắm đẹp với cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng, hoang sơ; các thắng cảnh giàu sức hút như đảo Phú Qúy, mũi Kê Gà, hòn Rơm…

Bên cạnh đó, những đồi cát trắng ngút ngàn tựa như sa mạc thu nhỏ chính là điểm nhấn đầy ấn tượng và là nét đặc trưng của địa phương này. Những “tiểu sa mạc” của vùng Bình Thuận không chỉ thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để khai thác một số loại hình du lịch đặc trưng.

Những đồi cát tại Bình Thuận không chỉ là địa điểm “sống ảo” lý tưởng của giới trẻ mà còn phù hợp để phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch

Khí hậu ấm áp, khô ráo và nắng quanh năm là một trong những yếu tố quan trọng mang đến tiềm năng lớn trong phát triển du lịch tỉnh; nhất là du lịch biển. Bình Thuận còn nổi bật với các lễ hội văn hóa đặc sắc và nhiều di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.

Về địa lý, Bình Thuận nằm ở cực Nam Trung Bộ, nơi cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương vùng Đông Nam Bộ nên giao thông thuận lợi với lợi thế vượt trội. Nơi đây còn là giao điểm nối liền các trung tâm dịch vụ – du lịch lớn phía nam như TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt… Chính vì điều này, Bình Thuận thu hút một lượng không nhỏ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, khu du lịch, nghỉ dưỡng, điển hình là dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, dự án sân bay quốc tế Phan Thiết…

Chưa xứng tầm với tiềm năng

Tỉnh Bình Thuận hội tụ đầy đủ các yếu tố về tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, ngành du lịch tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa ra nhiều lý do, nguyên nhân giải đáp tình trạng này.

Theo đánh giá, các sản phẩm du lịch của tỉnh chưa phong phú, đa dạng; môi trường, cảnh quan du lịch chưa thật sự xanh, sạch, đẹp; thời gian lưu trú ngắn ngày. Số dự án du lịch chậm triển khai còn nhiều, khả năng kết nối, liên kết vùng phát triển du lịch vẫn chưa được phát huy. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch tỉnh Bình Thuận chưa được đầu tư đúng mức.

Các hồ nước trên địa bàn cũng mang đến cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh Bình Thuận

Ngành du lịch Bình Thuận được chọn làm mục tiêu phát triển kinh tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, ngành du lịch vẫn chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo thống kê, năm 2019, du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh là 9,71%. Đến năm 2020, du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh là 5,52%.

Cũng theo Nghị quyết số 06-NQ/TU nêu trên của tỉnh Bình Thuận, những hạn chế cản trở du lịch tỉnh “cất cánh” xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đầu tiên phải nhắc đến là những hạn chế trong nhận thức, tầm nhìn của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch.

Chồng lấn giữa quy hoạch dự trữ, khai thác khoáng sản titan với quy hoạch phát triển du lịch chậm được tháo gỡ; xung đột giữa các ngành nghề khác (khai thác, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp…) với du lịch chưa được giải quyết hiệu quả. Tuy chất lượng nguồn nhân lực trong các hoạt động dịch vụ – du lịch đã được nâng lên nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Bình Thuận có nhiều bãi biển đẹp nhưng chưa được đầu tư phát triển du lịch đúng mức

Đặc biệt, giao thông đối ngoại, kết nối liên vùng chưa thuận lợi ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động du lịch tỉnh. Điển hình, khách du lịch khi đến với Bình Thuận chỉ có thể di chuyển thông qua đường bộ, quãng đường di chuyển cũng chưa được rút ngắn để thu hút lượng lớn du khách đổ về nơi đây.

Đại dịch Covid 19 cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của tỉnh. Chính vì vậy, các biện pháp phục hồi của tỉnh thực sự rất quan trọng, cần thiết và phải hết sức kỹ lưỡng.

Tiếp tục đặt ra mục tiêu và quyết tâm hoàn thành

Ông Bùi Thế Nhân cho biết, thời gian tới, du lịch tỉnh Bình Thuận hứa hẹn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bình Thuận sẽ có các chính sách đẩy mạnh ngành du lịch nhằm thu hút nhiều du khách đến và trở lại, tổ chức nhiều hoạt động để kéo dài thời gian lưu trú, đem lại kinh tế cho người dân nói riêng và ngành du lịch Bình Thuận nói chung.

Muốn vậy, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo dịch vụ du lịch chất lượng, đa dạng, đặc sắc, bền vững và an toàn; giữ vững và phát triển thương hiệu của hệ thống cơ sở du lịch hiện có. Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh.

Nghị quyết số 06-NQ/TU cũng đưa ra các phương án cơ cấu lại, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo các định hướng cụ thể. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch sẽ được tỉnh chú trọng tăng cường.

“Công tác đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là cánh cửa rộng mở để ngành du lịch tỉnh bước lên tầm cao mới trong bối cảnh kinh tế ngày nay. Chính vì vậy, Bình Thuận không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp”, ông Bùi Thế Nhân chia sẻ.

Ngoài ra, các giải pháp như phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau tác động của đại dịch Covid – 19 đang được UBND tỉnh sâu sát, triển khai thực hiện.

Hy vọng thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận sẽ có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, sau khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và sân bay quốc tế Phan Thiết hoàn thành, Bình Thuận có thể khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tiểu Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu