Phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái về con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch, trong đó chúng tập trung cao nhất vào chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam với những âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt và vô cùng nguy hiểm.

Bởi vậy, lật tẩy những chiêu trò chống phá Đảng của các thế lực thù địch hiện nay là việc cấp thiết nhằm nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận diện và phê phán những luận điệu nêu trên là hết sức quan trọng, qua đó khẳng định tính tất yếu khách quan và đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần củng cố niềm tin, bồi đắp lý tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Một là, nhận diện và phản bác quan điểm “Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi theo vết xe đổ của Liên Xô, tất yếu dẫn tới sụp đổ”.

Các thế lực thù địch, phản động, chống đối rêu rao rằng “sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chính là sự cáo chung, là cái chết của chủ nghĩa xã hội”, “nếu Việt Nam vẫn cứ tiếp tục đi theo chủ nghĩa xã hội thì cũng sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô, sẽ tất yếu dẫn tới sự sụp đổ, đó là tương lai nhìn thấy trước”, “chủ nghĩa xã hội ngày nay đã vào giờ thứ 25 trên phạm vi toàn cầu”. Có thể nói, đây là những luận điệu được các thế lực thù địch sử dụng chống phá từ ngay sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trên thực tế đã bị bác bỏ cả về lý luận và thực tiễn.

Chúng ta thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là do chủ nghĩa Mác – Lênin sai lầm mà chính là do các Đảng Cộng sản ở những quốc gia này đã nhận thức và vận dụng sai chủ nghĩa Mác – Lênin, thậm chí đòi xét lại, phản bội, xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang coi chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của mình và đang chứng minh chủ nghĩa xã hội sẽ là tương lai của loài người.

Hai là, nhận diện và phản bác quan điểm “Việt Nam đi theo chủ nghĩa xã hội nên mới dẫn tới nghèo nàn, lạc hậu, muốn phát triển phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, đi theo chủ nghĩa tư bản”.

Những kẻ cơ hội, phản động lớn tiếng suy diễn rằng, nếu không theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì rất có thể đất Việt Nam đã trở thành con rồng, con hổ như Hàn Quốc, Singapore… Tuy nhiên, đây thực chất là những luận điệu của những kẻ có dụng tâm xấu.

Thực tiễn Việt Nam đã bác bỏ những luận điệu này. Ai đã từng sống qua hai thời kỳ trước đổi mới và đổi mới ở Việt Nam đều thấy rõ những thay đổi lớn lao, những bước chuyển mình, tiến bộ thực sự của cả một dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng – an ninh, đối ngoại …

Không chỉ chúng ta mà cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam. Báo chí thế giới dùng nhiều mỹ từ để nói về những thay đổi tích cực ở Việt Nam như: “Điều kỳ diệu Việt Nam”, “Việt Nam – ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế thế giới”, “Việt Nam – điểm sáng kinh tế thế giới”, Việt Nam được coi là “tấm gương với nhiều nước đang phát triển trên thế giới”…

Ba là, nhận diện và phản bác quan điểm “Việt Nam bề ngoài tuyên bố theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất xã hội Việt Nam hiện nay chính là chủ nghĩa tư bản”.

Các thế lực thù địch rêu rao rằng “Các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay trên thực tế là đang phát triển chủ nghĩa tư bản”. “Việt Nam không dám thừa nhận mình lựa chọn sai con đường, nên miệng nói định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng tay làm định hướng tư bản chủ nghĩa, thực chất là “đỏ vỏ xanh lòng”.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định: “Xây dựng tòa lâu đài của chủ nghĩa xã hội từ những viên gạch của chủ nghĩa tư bản, chứ không phải từ hư vô, từ mảnh đất trống không, phải dùng cả hai tay mà nắm bắt lấy những thành tựu của chủ nghĩa tư bản”. Kế thừa là quy luật phát triển, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở kế thừa nhiều giá trị của chủ nghĩa tư bản là tất yếu lịch sử. Do vậy, việc dựa vào những điểm tương đồng giữa các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa để ngụy biện, đánh tráo, biến cái không bản chất thành cái bản chất rồi cho rằng Việt Nam đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa hoặc là thiếu hiểu biết hoặc là cố tình xuyên tạc.

Bốn là, nhận diện và phản bác quan điểm “Việt Nam từ một nước phong kiến nghèo nàn, lạc hậu không thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội được mà phải đi lên chủ nghĩa tư bản trước đã”.

Các thế lực thù địch tuyên truyền rằng “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ có thể từ những nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển; Việt Nam xác định đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là trái quy luật, “chưa học bò đã lo học chạy”, cuối cùng sẽ chỉ là con đường vòng đến chủ nghĩa tư bản mà thôi”.

Tuy nhiên, đây là sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin. Bên cạnh khả năng quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản phát triển lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã chỉ ra khả năng quá độ gián tiếp từ một nước tiền tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội và chỉ ra những điều kiện cần thiết để thực hiện sự quá độ gián tiếp này. C.Mác nhận định rằng, loài người xét trên phạm vi rộng và thời gian dài, sẽ trải qua 5 hình thái kinh tế – xã hội, nhưng ở một xã hội cụ thể, có thể bỏ qua một hay một vài hình thái kinh tế – xã hội nào đó trong quá trình phát triển thì vẫn là quá trình lịch sử – tự nhiên, vẫn là hợp quy luật.

Năm là, nhận diện và phản bác quan điểm “Chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi bản chất rồi, đã vì người lao động, lịch sử đã kết thúc ở chủ nghĩa tư bản rồi nên Việt Nam chỉ có thể đi theo chủ nghĩa tư bản mà thôi”.

Các thế lực thù địch, phản động không ngớt lời ca ngợi, “tô son, trát phấn” rằng “chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, việc cho rằng chủ nghĩa tư bản là bóc lột chỉ đúng ở thế kỷ XIX trong giai đoạn đầu, hiện nay chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa tư bản nhân dân, đã vì người lao động. Ngày nay, công nhân đã có cổ phần, cổ phiếu, đã trở thành ông chủ, không bị bóc lột nữa. Những điều mà chủ nghĩa xã hội mong muốn thì chủ nghĩa tư bản hiện nay đã thực hiện rồi, chủ nghĩa tư bản có thể hội tụ với chủ nghĩa xã hội trong thời đại hậu công nghiệp, văn minh tin học hiện nay. Việt Nam nói đi lên chủ nghĩa xã hội chỉ là nói về cái hư vô, không có thật”.

Những luận điệu này trên thực tế cũng chỉ lừa bịp được những người luôn nhìn chủ nghĩa tư bản ở vẻ hào nhoáng bề ngoài mà chưa nhìn sâu hoặc cố tình giấu giếm bản chất của chế độ xã hội đó. Dù chủ nghĩa tư bản hiện nay đã có nhiều điều chỉnh song bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản thì chưa thay đổi và không thể thay đổi, như Đảng ta nhận định “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột, bất công”.

Do đó, chúng ta thấy rằng, những luận điệu nêu trên của các thế lực thù địch là không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc này giúp chúng ta càng củng cố và vững tin hơn vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thạc sĩ: Nguyễn Danh Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu