Linh thiêng lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma

Tạp chí Biển Việt Nam - Tối 13/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong dịp kỷ niệm 35 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2023).
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ ở tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988.

Lễ dâng hoa và hương đã được diễn ra tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cùng hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, nhân dân và thân nhân liệt sĩ, cán bộ tỉnh Khánh Hoà. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và thành kính. Sau Lễ chào cờ, các đoàn đại biểu đã thả hoa đăng, dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma trước tượng đài “vòng tròn bất tử Gạc Ma” và khu mộ gió các chiến sĩ Gạc Ma.

Tỉnh Khánh Hoà đã trao quà cho bốn gia đình thân nhân liệt sĩ đã hy sinh tại trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và thắp nến tri ân tại khu mộ gió. Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức trồng cây tri ân tại khuôn viên Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

64 hoa đăng được thả tại khu trưng bày ngầm. Đây là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến các liệt sĩ Gạc Ma.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma rộng 2,5 ha, được khánh thành tháng 7/2017 với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng. Nơi này lưu giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được gia đình gửi đến cùng những kỷ vật của các con tàu đắm tại Gạc Ma như bánh lái, các mảnh súng trường và cuốc xẻng của các chiến sĩ khi tham gia bảo vệ tổ quốc…

Điểm nhấn của khu tưởng niệm là chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” với biểu tượng “vòng tròn bất tử” cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo của Tổ quốc. Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma làm từ những phiến đá granite nguyên khối nặng hơn 14 tấn. Mỗi cụm tượng đài cao 12 m, ngang 12 m.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thả hoa đăng tưởng niệm các chiến sĩ.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nơi tôn vinh những hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải quân, đồng thời là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tưởng niệm và tìm hiểu về lịch sử của đất nước.

Ngoài việc tổ chức lễ tưởng niệm, tỉnh Khánh Hòa còn triển khai nhiều hoạt động nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước.

Từ năm 2014, ngày 14/3 được chọn là Ngày Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, để tôn vinh những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Ngày nay, việc tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ trên khắp cả nước đã trở thành một truyền thống đậm nét trong mỗi người dân Việt Nam.

Chiều 13/3, lễ giỗ các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức trang nghiêm trước bia ghi danh các liệt sĩ ở khu tưởng niệm. 64 ly rượu được rót ra trên bàn thờ cùng 64 bộ chén bát. Những lẵng hoa tươi thắm cũng được dâng lên các chiến sĩ cùng 64 hoa đăng.

Mặc dù đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi trận chiến Gạc Ma diễn ra, tuy nhiên tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân vẫn luôn được ghi nhớ và tôn vinh, là nguồn động viên và cổ vũ cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Nhiều cựu binh Trường Sa đến dâng hương các đồng đội của mình.

Ngày 14/3/1988, với lực lượng tàu chiến hùng hậu, có trang bị vũ khí mạnh, Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải, đánh chiếm một số bãi đá ngầm của Việt Nam.
Với quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải, lực lượng công binh Hải quân xây dựng đảo trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng, súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cuộc chiến ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc là một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Những người lính trung kiên đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu