Bão số 6 đã gây ra nhiều thiệt hại tại một số tỉnh miền Trung

Tạp chí Biển Việt Nam - Chiều tối ngày 27/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển khu vực giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An; bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền. Cùng đi còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sạt lở bờ biển khu bãi tắm ở Thừa Thiên Huế

Do ảnh hưởng của bão số 6 tại thị trấn Thuận An gió giật mạnh nhất cấp 9 (22.6m/s, lúc 08h30 ngày 27/10), tại Huế gió giật mạnh nhất cấp 8 (18.7m/s, lúc 08h24 ngày 27/10); A Lưới cấp 6 (12m/s, lúc 09h09 ngày 27/10); Nam Đông gió mạnh cấp 8 (18m/s), gió giật cuối cấp 10 (28m/s lúc 10h31 ngày 27/10).

Đến 15h30 chiều 27/10, bão số 6 đã suy yếu thành ATNĐ trên khu vực đất liền Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Dự báo trong 6 giờ tới di chuyển hướng Nam Tây Nam, sau đó chuyển hướng Đông và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của cường suất mưa lớn vùng nội đồng kết hợp triều cường, nước dâng do bão nên nước trên các triền sông không chảy ra biển đã gây ngập lụt cho các khu vực ven biển, đầm phá và khu vực trũng thấp.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế; chiều dài sạt lở gần 1.000m, trong đó sạt lở nặng 300m.
Để ngăn sạt lở, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã xuất 2.350m2 vải lọc, 700 m3 đá hộc xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển nêu trên. UBND huyện Phú Vang và UBND thành phố Huế địa phương đã xuất 5.000 cái bao tải, 200 cừ tràm và huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn phối hợp cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300 m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An.
Tuy nhiên, khi bão Trà Mi đổ bộ vào khu vực này đã đánh tan toàn bộ hệ thống kè vừa được xây dựng, cuốn trôi một đoạn đường phục vụ du lịch ra biển. Nhiều hàng quán ven biển bị gió làm siêu vẹo. Sau bão, sóng biển liên tục đánh vào bờ, ngoạm sâu vào đất liền, uy hiếp khu dân cư ở gần đó.
Qua đi kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của các lực lượng, người dân nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương cử cán hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý. Đồng thời tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Vang, UBND thành phố Huế và UBND huyện Phú Lộc nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.
Tại Quảng Trị: Trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Trị có mưa to và mưa rất to, đặc biệt như Cửa Việt: 277mm, Đông Hà: 276mm, Vĩnh Kim: 209,4mm, Ba Lòng: 204,6mm…
Báo cáo từ huyện Đakrông cho biết, UBND huyện đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo ứng phó bão số 6 cũng như việc ứng phó với mưa lớn diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng các lãnh đạo kiểm tra tình hình mưa bão
Về tình hình mưa lũ, tính đến sáng nay, một số địa phương trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to cục bộ ở các xã Tà Long, Húc Nghì, A Bung, A Vao, Ba Nang, lượng mưa phổ biến từ 100 -210mm. Mưa lũ làm nước dâng cao gây ngập các ngầm tràn từ 0,4 – 1m, gây chia cắt nhiều điểm.
Tại cầu tràn A Ngo – A Bung thuộc tuyến Quốc lộ 15D, ngầm tràn Tà Rụt – A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn xã Tà Long, ngầm tràn khu tái định cư xã Húc Nghì, các ngầm tràn mực nước ngập khoảng 1,5 – 2m, cầu Đá Đỏ, xã Ba Nang ngập sâu 60cm…
Tại các điểm ngập sâu bị chia cắt, các địa phương đã triển khai lực lượng xung kích, công an, quân sự tổ chức canh gác; lập barie đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tại thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đakrông có 203 người, 50 hộ, đã di dời 100% tài sản, người và gia súc gia cầm đến nơi tránh trú an toàn.
Qua kiểm tra thực tế một số điểm xung yếu trên địa bàn huyện Đakrông, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh diễn biến khó lường của bão số 6 có thể gây mưa lớn và kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nguy cơ sạt lở, ngập lụt ở vùng núi và thấp trũng rất cao. Vì vậy cần sớm cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là, cần chủ động triển khai các phương án ứng phó bão để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành địa phương để điều tiết kịp thời việc tích nước và xả lũ tại các hồ thủy điện. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các phương án theo kịch bản để đảm bảo an toàn hồ đập theo quy định. Ngành Giao thông vận tải có phương án chỉ đạo khắc phục kịp thời những nơi bị sạt lở, sớm có cảnh báo giúp cho nhân dân lưu thông an toàn và tiện lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành địa phương
Huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, thôn, xã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn. Sẵn sàng phương tiện và lực lượng di dời người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống khẩn cấp, thường xuyên cập nhật tình hình bão lụt để cảnh báo người dân đảm bảo an toàn.
Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cảnh báo người dân ứng phó kịp thời với tình hình bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão.
Sáng 28/10, lãnh đạo ga Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, nước lũ dâng cao, chảy xiết qua đường sắt làm trôi đá, xói nền đường. Do đó, cùng với nỗ lực khắc phục để sớm thông tuyến trở lại, trước mắt hành khách đi tàu khách Bắc – Nam sẽ được chuyển tải từ ga Đông Hà ra ga Đồng Hới và ngược lại.
Sáng cùng ngày 28/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, về giao thông, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện Đakrông xuất hiện 3 điểm sạt lở tại Km 255+500, Km255+600 và Km 279, với khối lượng khoảng 100m3.
Tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng có 40m đường bê tông hóa giao thông nông thôn và 350m đường cấp phối bị sạt lở do triều cường dâng. Đường giao thông xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) bị xói lở khoảng 300m với lượng đất đá bị xói trôi khoảng 300m3…
Tại Quảng Bình: Do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami) từ tối 27 đến sáng 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to khiến nhiều nơi bị chia cắt, ngập lụt…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh

 

Lượng mưa đo được tại nhiều nơi trên địa bàn rất cao; trong đó, đáng chú ý có xã Thái Thủy, Văn Thủy và thị trấn Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy, lượng mưa đo được đều khoảng từ 449-540mm.
Hiện nay, nước trên sông Kiến Giang tại trạm thủy văn Kiến Giang đã vượt báo động 3 hơn 2,67m; nước trên sông Gianh tại trạm thủy văn Lệ Thủy vượt báo động 3 hơn 0,42m. Tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nước lũ gây chia cắt các tuyến đường nối với 11 bản, làng ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Trường Sơn và Trường Xuân với hơn 369 hộ, hơn 1.314 khẩu bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, các tuyến Quốc lộ 9B, 9C, Quốc lộ 15, các tuyến tỉnh lộ 558B ở Quảng Bình có nhiều đoạn, điểm bị ngập sâu trong nước, ngăn cách giao thông. Các lực lượng chức năng đã bố trí rào chắn và trực gác cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân.Tại các vùng thấp trũng ở trung tâm huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới đã có hơn 18.000 ngôi nhà đã bị ngập trong nước.
Riêng thành phố Đồng Hới, đêm 27 và sáng 28/10, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông. Nhiều xe máy và xe ôtô bị chết máy phải nhờ cứu hộ do ngập nước.
Do mưa lớn kéo dài, tình hình sạt lở ở tỉnh Quảng Bình cũng trong tình trạng báo động cao. Khu vực bờ biển thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5km, sâu 2-3m; Quốc lộ 9B đoạn Km77+580 sụt taluy âm dài khoảng 1m đã xói lở đến chân nền đường. Đơn vị quản lý đã rào chắn khu vực này để đảm bảo giao thông; đồng thời tiếp tục theo dõi để xử lý.
Hơn 12.300 nhà dân ở huyện Lệ Thủy bị ngập lụt.
Cùng với đó, trên nhiều tuyến đường này có những điểm đoạn bị sạt lở taluy dương với khối lượng ước khoảng 2.000m3 gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi ngang qua đây.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm Kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, trên địa bàn đã có 1 người mất tích do nước lũ cuốn trong khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy.
Hiện nay, công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với tình hình bão, lụt đang được chính quyền các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); ưu tiên triển khai di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Ngọc Thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM