Bình Thuận: công bố quyết định đưa lễ hội Katê vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng ngày 25/10, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đưa lễ hội Katê của người Chăm (tỉnh Bình Thuận) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng trong sáng cùng ngày, lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bà la môn (tỉnh Bình Thuận) đã chính thức khai mạc tại tháp Pô Sah Inư (TP. Phan Thiết). Lễ hội thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham dự.

Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà la môn tại Bình Thuận có quá trình hình thành, tồn tại lâu đời và được duy trì đến ngày nay. Lễ hội mang giá trị phản ánh văn hóa dân gian đặc sắc, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật gắn liền với đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng người Chăm. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ngày 04/04/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm (Bà la môn) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Hải Long.

Lễ đón nhận danh hiệu cấp quốc gia của lễ hội Katê được xem là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 27 năm ngày du lịch Bình Thuận (24/10/1995 – 24/10/2022). Tham dự và chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện có đồng bào Chăm Bà la môn đang sinh sống thực hiện một số công tác như sau: quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chăm duy trì và phát huy các giá trị của lễ hội để phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và góp phần phát triển du lịch địa phương; đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội; ngăn chặn những nguy cơ làm mai một, biến thể các nghi thức trong lễ hội văn hóa. Đây đều là những phương án tốt nhằm bảo tồn và phát huy lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận.

Cùng với Quyết định số 776 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đây là cơ sở pháp lý để địa phương triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội Katê của người Chăm trong thời gian tới.

Lễ hội Katê diễn ra dưới sự tham dự đông đảo của người dân và du khách. Ảnh: Hải Long.

Ngay sau lễ công bố, lễ hội Katê bước vào phần quan trọng nhất là lễ Nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo. Lễ rước y trang của nữ thần diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc.

Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua đóng góp nhiều công lao. Họ được đồng bào Chăm tôn kính, tưởng nhớ, xem như ông bà tổ tiên để bày tỏ mong ước “quốc thái dân an – mưa thuận gió hòa – mùa màng bội thu”. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Chăm sinh sống và làm việc ở khắp các nơi trở về đoàn tụ, quây quần cùng gia đình.

Đức Anh - Hải Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu