Bình Thuận: Đề nghị xử lý về mặt đảng với 10 cán bộ liên quan vụ Tân Việt Phát 2
Chiều ngày 9/2, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, đại diện Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận đã triển khai thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Tài nguyên Môi trường và 12 cá nhân có liên quan thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên Môi trường, Đảng bộ Khối cơ quan chính quyền thành phố Phan Thiết, Đảng bộ phường Phú Thủy trong việc tham mưu, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra nhận thấy, tổ chức đảng và 10 đảng viên thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Đảng bộ Khối cơ quan chính quyền thành phố Phan Thiết, Đảng bộ phường Phú Thủy, TP Phan Thiết có vi phạm trong việc tham mưu, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền.
Nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt giam
10 đảng viên nói trên đã có sai phạm trong quá trình tham mưu, đề xuất liên quan đến việc giao hơn 90.000m2 đất cho Công ty Tân Việt Phát vào năm 2017 nhưng tính giá 2013 gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 45 tỉ đồng.
Trong đó có một số đảng viên đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ngày 12/12/2022 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại khoản 3, Điều 219 BLHS.
Cụ thể, các đảng viên nói trên gồm: Nguyễn Thanh Cho, chuyên viên Văn phòng Sở TN&MT, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (ông Cho đã bị bắt giam và bị đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 19/12/2022).
Lê Nam Hưng, Chánh Văn phòng Sở TN&MT, nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (đã bị bắt giam và đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 19/12/2022).
Lê Anh Huy, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (đã bị bắt giam và đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 19/12/2022).
Phạm Duy Cường, Trưởng Phòng TN&MT TP Phan Thiết, nguyên phó phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (đã bị bắt giam và đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 16/12/2022).
Nguyễn Thị Thu Phong, nguyên phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (bị khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 12/12/2022).
5 đảng viên còn lại gồm bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Tài chính tổng hợp, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận và ông Lê Hữu Phùng Trung Kiên, chuyên viên.
Và nhóm 3 cán bộ Phòng quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Bình Thuận gồm bà Hồ Thị Út, Phó trưởng phòng phụ trách; bà Lê Thị Bích Trâm, Phó phòng và chuyên viên Tô Thị Ngọc Nga.
Cả 5 người này đều đã có dấu hiệu tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên nguyên nhân sai phạm là do thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Xét tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân vi phạm và trong quá trình thực hiện không được hưởng lợi ích vật chất, cần phân hóa xử lý nghiêm khắc về Đảng và chính quyền.
Giao đất không qua đấu giá, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, vào năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương bán đấu giá các lô đất có diện tích 9 ha tại phường Phú Bài (TP Phan Thiết) với giá khởi điểm khoảng 1,2 triệu đồng/m2. Qua 6 lần thông báo, không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia đấu giá.
Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận tăng liên tục. Ngày 26/7/2016, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận là bị can Nguyễn Ngọc Hai đã ký ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của tỉnh, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2. Một năm sau, 3 lô đất này được giao cho Công ty Tân Việt Phát nhưng vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013.
Sau khi có phản ánh của người dân về việc này, ông Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo bị can Nguyễn Văn Phong (cựu Giám đốc Sở Tài chính) kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá.
Tuy nhiên, ông Phong đã không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, Luật Giá về việc xác định giá đất cụ thể để giao đất cho Công ty Tân Việt Phát. Ông Phong đã chỉ đạo bị can Hồ Thị Út (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý giá và công sản) soạn thảo văn bản để ký ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định “việc UBND tỉnh thống nhất giao đất không qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh”.
Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, sai phạm của bị can Phong dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Sau khi hoàn thành các thủ tục giao đất, ngày 13/6/2017, bị can Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận) ký, cấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Việt Phát. Doanh nghiệp này sau đó làm các thủ tục xin thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phân thành 500 lô diện tích từ 100 – 2.009m2 và được UBND tỉnh Bình Thuận cấp mới 500 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau đó, công ty này phối hợp với Tập đoàn Danh Khôi (TPHCM) ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất, thu 50% số tiền trong hợp đồng giá 6-7,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền huy động được là gần 500 tỷ đồng. Đối với các lô đất còn lại, Công ty Tân Việt Phát dành để phát triển thương mại.