Chi đội Kiểm ngư số 4: Tăng cường các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển

Tạp chí Biển Việt Nam - Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và dị thường, mưa bão không theo quy luật, Chi đội Kiểm ngư số 4 đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường các biện pháp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) để có thể hỗ trợ ngư dân hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cán bộ thuyền viên Chi đội Kiểm ngư 4 đón ngư dân gặp nạn lên tàu.

Được phân công quản lý vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận và Quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai, bão, lũ. Thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường. Hàng năm trung bình có từ 05 đến 08 cơn bão đi qua và khoảng 03-05 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động. Khu vực biển này, có nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ khai thác hải sản. Các tàu cá chủ yếu là tàu vỏ gỗ, có lượng giãn nước nhỏ với công suất máy thấp, nên khi gặp thời tiết xấu như giông, bão thường hay bị hỏng máy, trôi dạt, thủng vỏ tàu…Bên cạnh đó, các ngư dân khi đi biển thường không chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện, trang bị cứu sinh nên khi gặp rủi ro dễ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thời gian qua, có nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn  do bị hỏng máy trôi dạt, bị va chạm trên biển, gặp giông bão bị lật chìm hoặc bị mắc cạn va vào các bãi đá ngầm trên Quần đảo Trường Sa.

Thuyền viên Chi đội Kiểm ngư 4 quan sát tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Chi đội Kiểm ngư số 4 ngoài chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tuần tra, kiểm soát, duy trì, thực thi pháp luật về kiểm ngư, xử lý vi phạm của tàu cá… còn có nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng là tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển. Xác định rõ nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nên ngay từ ngày đầu thành lập, Chi đội Kiểm ngư số 4 luôn chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên các vùng biển; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương, triển khai có hiệu quả công tác TKCN trên các vùng biển được phân công; góp phần giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, phát triển kinh tế.

Tàu KN414 tặng thực phẩm cho ngư dân trên tàu bị nạn.

Với tư tưởng chỉ đạo “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, cứu phương tiện, tài sản sau” và tinh thần tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là “Mệnh lệnh từ trái tim”; “Cứu bà con như cứu chính người thân của mình”, cán bộ, thuyền viên Chi đội Kiểm ngư số 4 luôn có mặt kịp thời ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Từ năm 2019 đến nay, Chi đội Kiểm ngư số 4 đã huy động hơn 800 lượt cán bộ, thuyền viên với 65 lượt tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn hơn 50 vụ, cứu được gần 300 người, 70 phương tiện (trong đó có hàng chục người nước ngoài); tuyên truyền, hướng dẫn hàng nghìn lượt người, hàng trăm lượt phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, neo đậu tránh, trú an toàn, đưa hàng trăm lượt ngư dân bị nạn lên các đảo, các tàu chăm sóc sức khỏe và bàn giao cho địa phương an toàn.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên các vùng biển nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường; các hoạt động kinh tế biển ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác TKCN trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Chi đội Kiểm ngư số 4 đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ sau:

Cán bộ, nhân viên tàu KN473 tiến hành cố định, lai dắt tàu cá bị nạn.

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên và ngư dân về nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn phải tiến hành trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng cán bộ, thuyền viên. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm cho cán bộ, thuyền viên, xem đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Tập trung quán triệt cho cán bộ, thuyền viên nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, cũng như kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ này của các lực lượng, v.v… Qua đó, làm cho cán bộ, thuyền viên nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, xây dựng động cơ, trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, chủ động đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm.

Khám sức khoẻ cho ngư dân gặp nạn trên biển.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao nhận thức trong việc tự bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác trên biển, đặc biệt bổ sung đầy đủ các phương tiện cứu sinh, thông tin liên lạc, kiểm tra kỹ càng máy móc trước khi đi biển. Cùng với đó, các tàu của Chi đội khi thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp cho bà con số điện thoại, kênh liên lạc với các tàu Kiểm ngư, đài canh Hải quân, cách nhận biết pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới và khu neo đậu tránh trú bão, hướng dẫn cách di chuyển tàu, thuyền khi có bão, cách neo đậu tàu, thuyền ở nơi trú bão, phương pháp phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi hoạt động trên biển.

Hai là, duy trì nghiêm chế độ trực TKCN, nắm chắc tình hình, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là vào những thời điểm thường xảy ra thiên tai, sự cố; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và trang thiết bị. Bám sát tư tưởng chỉ đạo “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, cứu phương tiện, tài sản sau” và phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật chất tại chỗ, chỉ huy tại chỗ”, chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm khí hậu, thủy văn của từng khu vực biển được phân công, sát với thực lực và khả năng của đơn vị, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó thường xuyên bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với diễn biến của tình hình thời tiết, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, khi mùa mưa bão biến động phức tạp, số lượng các cơn bão hình thành với tần suất liên tục, quy mô và sức ảnh hưởng lớn.

Thuyền viên Chi đội Kiểm ngư 4 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân khai thác ở ngư trường Trường Sa.

Chủ động kiểm tra tình trạng của các trang bị, máy móc, kịp thời khắc phục, sửa chữa, hiệu chỉnh để bảo đảm trang, thiết bị có hệ số kỹ thuật tốt nhất, bảo đảm các tàu hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết xấu; Thường xuyên kiểm tra khả năng vận hành, khai thác trang bị, máy móc, đặc biệt là các phương tiện cứu sinh của cán bộ, thuyền viên các tàu như cẩu xuồng, làm dây lai kéo, sơ cấp cứu người bị thương, cứu người rơi xuống nước cũng như khả năng bơi…để bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trên mỗi tàu phải tổ chức một tổ cứu thương, gồm các thuyền viên có kinh nghiệm, đã được huấn luyện tốt các kỹ năng cần thiết. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cần thiết, bông băng, áo phao, cáng, nẹp cứu thương và các vật dụng cứu thương khác, sẵn sàng cấp cứu người bị nạn khi có tình huống.

Ba là,nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, luyện tập các phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, luyện tập phương án; bồi dưỡng về kinh nghiệm tổ chức, điều hành, kỹ năng, quy trình xử lý sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các tàu. Trong đó, tập trung huấn luyện chuyên sâu, nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện, luyện tập sát với thực tiễn khu vực biển phân công.

Bốn là, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là lực lượng tàu Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng… trong việc nắm thông tin liên quan đến thực trạng khả năng đi biển của các tàu, thuyền, về ngư trường và tần số thông tin liên lạc của các tàu… để chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn. Chủ động bám sát cơ quan chỉ đạo cấp trên, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan để xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn phù hợp, đảm bảo nhanh chóng tìm kiếm khi tàu bị nạn và tổ chức lai kéo về bờ hoặc đảo gần an toàn, tiết kiệm nhất.

Tàu Chi đội Kiểm ngư 4 tiếp cận tàu cá ngư dân tuyên truyền.

Nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn luôn đòi hỏi phải nhanh chóng, khẩn cấp, do đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, cần duy trì tốt mạng thông tin, thông báo, báo động với sở chỉ huy các cấp, làm tốt công tác hiệp đồng với các lực lượng có liên quan, để kịp thời thu nhận thông tin báo bão và thông báo bằng các kênh thông tin đến với bà con ngư dân.Việc phối hợp thông tin tại hiện trường là vô cùng quan trọng, việc phối hợp thông tin tốt sẽ giúp cho việc cứu nạn được diễn ra nhanh chóng, chính xác, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và người của tàu bị nạn.

Năm là, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm cứu nạn, sau mỗi chuyến công tác, mỗi lượt đi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn thành công, sẽ có nhiều vấn đề mới được phát hiện. Do đó cần thường xuyên tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm, hội nghị thông qua kế hoạch trước khi đi biển của các tàu, phát huy tốt dân chủ trong toàn đơn vị, để cán bộ, thuyền viên đóng góp những thuận lợi, những khó khăn trong quá trình thực hiện, đề xuất các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, từ đó thống nhất thực hiện ở tất cả các tàu trong toàn Chi đội.

Sáu là, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng việc. Thường xuyên quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, thuyền viên, và thực hiện tốt các chính sách đối với hậu phương, gia đình, để cán bộ thuyền viên yên tâm ra khơi thực hiện nhiệm vụ.

Đinh Xuân Hoàng, Chi đội Kiểm ngư số 4

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu