Chiến thắng 30/4: Mốc son vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội.

Các mốc son chiến đấu

Hiệp định Pari được ký kết đã bắt buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mặc dù chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố, không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, mà âm mưu tiếp tục tiến hành chiến tranh để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới và chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, chỉ huy chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân tràn ngập lãnh thổ lấn chiếm vùng giải phóng.

Trước âm mưu đó, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã nêu rõ con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng và nhấn mạnh: bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, kiên quyết đấu tranh trên 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao tiến lên giành toàn thắng. Nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng là tích cực phản công, chuẩn bị tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ cuối năm 1973 và cả năm 1974, quân và dân ở miền Nam đã liên tiếp mở các đợt tiến công và giành được thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, từ Trị – Thiên đến Tây Nam Bộ và vùng ven Sài Gòn, phá vỡ từng mảng lớn kế hoạch “bình định” của địch, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng, tiêu diệt nhiều cứ điểm, chi khu, quận lỵ, dồn địch vào thế đối phó lúng túng, bị động. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, quân ta đánh chiếm và giải phóng thị xã Phước Long (6/1/1975).

Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.

Chấp hành quyết định chiến lược của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trên toàn miền Nam, trong đó quyết định là ba chiến dịch chính – ba đòn tiến công chiến lược thắng lợi.

Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, một trận điểm đúng huyệt, tiêu diệt nhiều lực lượng tinh nhuệ và khí tài chiến tranh của địch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Tiếp đó từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.

Ở phía bắc, chúng bỏ thị xã Quảng Trị để tập trung bảo vệ Huế. Nắm thời cơ chiến lược, ta nhanh chóng giải phóng tỉnh Quảng Trị (ngày 19/3/1975) và quyết định mở màn chiến dịch giải phóng Huế. Từ ngày 21 đến ngày 25/3/1975, các đơn vị của ta tiến xuống chia cắt, bao vây tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn bộ binh số 01 và Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 147 của địch. Ngày 25/3/1975, ta giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên – Huế.

Ngày 27/3/1975, quân ta đánh vào căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai của địch là Đà Nẵng. Ngày 28/3/1975, pháo binh chiến dịch của ta đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Đà Nẵng, khiến địch không kịp co cụm và tổ chức phòng ngự nên nhanh chóng tan rã. Ngày 29/3/1975, Binh đoàn Hương Giang của ta từ các hướng Bắc, Tây Bắc, Tây Nam; Sư đoàn 2 từ hướng Nam và Đông Nam tác chiến trong hành tiến, tiến nhanh vào giải phóng Đà Nẵng, đồng thời phát triển tiến công ban ngày, kết hợp với các lực lượng địa phương và nhân dân nổi dậy chiếm bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An, kết thúc chiến dịch trong một thời gian kỷ lục (1 ngày).

Phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (ngày 1/4/1975), Khánh Hòa (ngày 3/4/1975) nối liền vùng giải phóng từ Tây Nguyên, Trị Thiên và các tỉnh Trung Bộ. Từ đầu tháng 4/1975, trong quá trình giải phóng hoàn toàn các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, Bộ Chính trị đã quyết định nhanh chóng giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ thuộc quần đảo Trường Sa. Lực lượng của Quân khu 5 và Hải quân đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, bất ngờ tấn công, nhanh chóng tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng binh ngụy, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đứng trước tình thế sụp đổ và tan rã, sau khi mất Tây Nguyên và miền Trung, địch tổ chức phòng tuyến cửa ngõ Đông – Đông Bắc Sài Gòn, hô hào tử thủ, hình thành “cánh cửa thép” hòng ngăn chặn sức tiến công của ta, củng cố lực lượng, giữ vững những phần đất còn lại, chờ cơ hội phản công. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã đánh giá đúng tình hình, không bỏ lỡ thời cơ, lên kế hoạch điều động binh lực.

Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn – Gia Định và hoàn toàn miền Nam.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn: hướng Tây Bắc có Quân đoàn 3 tăng cường phối hợp với lực lượng vũ trang Tây Ninh, Sài Gòn – Gia Định; hướng Bắc và Đông Bắc có Quân đoàn 1 tăng cường lực lượng đặc công, xe tăng, cao xạ; hướng Đông và Đông Nam có Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 tăng cường pháo binh, xe tăng, cao xạ, đặc công, biệt động; hướng Tây và Tây Nam có Đoàn 232 chủ lực miền Nam và chủ lực Quân khu 8, lực lượng tương đương một quân đoàn; vùng ven và nội thành Sài Gòn có các đơn vị đặc công, pháo binh kết hợp với lực lượng chính trị của quần chúng.

Trước tình trạng tuyệt vọng, ngày 18/4/1975, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải từ chức, đưa Trần Văn Hương lên thay. Trước sức mạnh cả thế và lực của ta, Trần Văn Hương không muốn là nhân chứng lịch sử chấp nhận thất bại, đã vội vàng tuyên bố nhường chức Tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh vào ngày 26/4/1975. Nắm vững thời cơ, 17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng chiến dịch đều nổ súng tấn công. 17 giờ cùng ngày, ta dùng 5 máy bay A37 lấy được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó dùng pháo binh chế áp, làm tê liệt cầu hàng không di tản “Người liều mạng” bằng máy bay lên thẳng.

Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn – Gia Định và hoàn toàn miền Nam.

Ngày 29/4/1975, ta tiến hành Tổng tiến công trên toàn mặt trận, chặn đánh và tiêu diệt các tập đoàn chủ lực chủ yếu của địch ở vòng ngoài, đồng thời thọc sâu cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, mở thông cửa cho các binh đoàn thọc sâu, chuẩn bị đồng loạt đánh vào nội đô. Bọn địch còn lại vẫn ngoan cố chống trả, chúng tăng cường lực lượng, phản kích, đối phó quyết liệt trên hướng Đông và Đông Nam, nhất là khu vực Hố Nai, Biên Hòa, căn cứ Nước Trong, Sông Buông. Song trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, quân địch đã hoang mang cao độ, tan rã, rút chạy, đầu hàng từng bộ phận, tướng tá ngụy tranh nhau di tản, chỉ huy bị rối loạn. Quần chúng nhân dân ở từng hướng được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang nổi dậy giành quyền làm chủ, truy quét tàn quân và phá các vị trí địch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Ngày 30/4/1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, căn cứ Hải quân, Cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát Trung ương. Địch chống trả quyết liệt, song trước sức mạnh tiến công của ta các đơn vị chủ lực ngụy bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 ta chiếm dinh “Độc lập” lúc 10 giờ 45, bắt toàn bộ ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính dinh “Độc lập” lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Trong hai ngày 30/4 và 1/5/1975, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 8, Quân khu 9 nắm thời cơ phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng vùng biển đảo của Tổ quốc. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng đã hoàn toàn sụp đổ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ XX, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Nhân dân ta gạt bỏ được trở ngại lớn nhất trong công cuộc hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã chứng minh tài thao lược và trí tuệ của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đã thể hiện đậm nét nghệ thuật quân sự chiến tranh Nhân dân. Có được chiến thắng vẻ vang như vậy là do Đảng đã hội tụ được sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại.

Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là chiến thắng của sự gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân 1975 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, cùng chung một nhiệm vụ chiến lược, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đã nhiều năm trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Chiến công hiển hách đó không chỉ mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc mà còn luôn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta trên những chặng đường cách mạng mới.

Cuộc tháo chạy trên nóc tòa đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

Sau 48 năm, đất nước ta đã hồi sinh và chuyển mình rõ rệt, tìm ra con đường đi lên đúng đắn, làm nên những bước phát triển diệu kỳ, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới và mở cửa. Nhiều năm liên tục, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng dương. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.

Nước ta đã vượt qua ngưỡng đói nghèo, ổn định về chính trị, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo. Có thể nói chúng ta đã bước đầu thực hiện di nguyện của Bác là sau ngày thắng lợi sẽ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Như Thông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu