Chương trình giảm nghèo bền vững ở vùng cao tỉnh Quảng Ngãi

Tạp chí Biển Việt Nam - Quảng Ngãi là tỉnh ven biển, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dân số hơn 1,2 triệu người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm khoảng 85%, còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở 05 huyện miền núi. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với các chương trình chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
UBND tỉnh Quảng Ngãi họp đóng góp ý kiến xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo.

Giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bình quân giảm 5,25%/năm. Sự thay đổi dễ nhận biết nhất ở các huyện miền núi Quảng Ngãi là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện. Hiện nay, tất cả các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98,7% hộ được sử dụng điện; 91% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; trên 90% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm… Hệ thống trường lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu dạy và học của các bậc học. Mạng lưới y tế ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển và được đầu tư xây dựng kiên cố. Đến nay có 58/67 Trạm Y tế được đầu tư xây dựng kiên cố đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 42/67 Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Nhằm mục tiêu giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở an toàn, kiên cố, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với những tiêu chí cụ thể. Theo đó, tiêu chí được hỗ trợ nhà ở là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền- móng, khung- tường, mái có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc); diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 08m2; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội hoặc tổ chức xã hội khác. Phạm vi áp dụng gồm các xã thuộc 02 huyện nghèo: Sơn Tây và Trà Bồng. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở khoảng 4.345 hộ; trong đó, xây mới khoản 3.049 hộ, sữa chữa 1.296 hộ. Định mức hỗ trợ xây dựng mới dự kiến 46 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 23 triệu đồng/hộ. Tổng nguồn vốn cần để thực hiện Đề án dự kiến trên 335 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 147,8 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 22,1 tỷ đồng, vốn huy động khác trên 165,4 tỷ đồng.

Mô hình nuôi cá nước ngọt giúp người dân thoát nghèo.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các xã vùng cao, vùng xa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo có hiệu quả. Các huyện miền núi triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo Nghị quyết 04 chuyên đề của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong đó chú trọng tiếp cận địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để phân loại, tư vấn và giúp đỡ động viên đồng bào vươn lên thoát nghèo. Nâng cao ý thức người dân phấn đấu thoát nghèo, không chỉ thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục thông thường mà cần duy trì một số chính sách để họ được hưởng các lợi ích của hộ nghèo và có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu