Đẩy mạnh kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc

Diễn đàn được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao sản lượng tiêu thụ nông lâm sản tại thị trường nội địa; định hướng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất – sơ chế – chế biến với tiêu thụ nông lâm sản; quảng bá sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước; đồng thời hưởng ứng, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 773,5 nghìn tấn, ngô đạt 638,4 nghìn tấn, sắn đạt 899 nghìn tấn, mía đạt 1,15 triệu tấn. Đặc biệt với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn); cây lâu năm như cà phê (32,9 nghìn tấn), cao su (19,2 nghìn tấn); lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm có giá trị sinh học, dược liệu bản địa.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nông sản ngày càng được tiêu thụ rộng rãi ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD (trong đó Sơn La đạt 190 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD, Lào Cai 25 triệu USD).

Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD.
Tuy nhiên, sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô. Để phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hạ tầng logistics và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết, tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898 ha. Trong đó, cây ăn quả và sơn tra 85.050 ha với sản lượng 510.000 tấn, còn cây công nghiệp lâu năm đạt 35.563 ha, sản lượng 102.078 tấn.
Tổng sản lượng quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Một số sản phẩm quả tươi như xoài, nhãn đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro… và được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… Năm 2024, Sơn La xuất khẩu khoảng 8.900 tấn chè (trị giá 21,9 triệu USD), 31.700 tấn cà phê (88,77 triệu USD), 7.600 tấn xoài tươi (1,876 triệu USD) và 7.200 tấn chuối tươi (2,1 triệu USD).
Ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh hiện ước đạt 4.045 ha với các cây trồng chính như: Xoài 698 ha, dứa 584 ha, mít 448 ha, bưởi 73 ha, lê 222 ha. Tổng diện tích trồng mới giai đoạn 2020 – 2024 ước đạt 1.008. Cây ăn quả tỉnh Điện Biên bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm. Bước đầu hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 3.000 ha. Về cây công nghiệp lâu năm, Điện Biên có khoảng 4.784 ha cà phê (sản lượng dự kiến hơn 4.800 tấn nhân), gần 630 ha chè, hơn 5.000 ha cao su và hơn 12.300 ha mắc ca. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, logistics yếu và sự liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Với tỉnh Lai Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Huy Phương cho biết, với địa hình đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu. Toàn tỉnh hiện có trên 23.000 ha trồng dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế (10.000 ha), thảo quả (trên 6.500 ha), sa nhân (trên 2.500 ha), sơn tra (trên2.000 ha), sâm Lai Châu (trên 130 ha) và thất diệp nhất chi hoa (trên 10 ha). Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh.
Đặc biệt, sâm Lai Châu – một loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ đang dần khẳng định vị thế là dược liệu quý, có giá trị y học và kinh tế cao. “Sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu
tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu. Tỉnh Lai Châu kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm. Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã, xoay quanh các vấn đề then chốt như xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phù hợp, đồng thời thúc đẩy sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Bắc, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm sản, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.