Điều kiện thuận lợi để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới
Việc Việt Nam tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở để các bộ ngành, trong đó có ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường hàng hóa nói chung, đặc biệt là các sản phẩm TCMN. Các hoạt động kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm TCMN sẽ góp phần từng bước mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng này.
Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2026-2030 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1% – 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 – 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% – 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.
Phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của thành phố Hà Nội hiện nay. Theo đó, các Sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng… Nhờ có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch, đã có những làng nghề thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Tuy nhiên, làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trên hành trình hội nhập thị trường thế giới, đặc biệt để đáp ứng các tiêu chí của các Hiệp định FTA thế hệ mới. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp làng nghề đều gặp phải những khó khăn như: thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung; thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao; thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu không ổn định và chưa tạo dựng được nhiều thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, bãi thu gom rác thải, nhà hàng, khách sạn, hệ thống chiếu sáng; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ…
Bên cạnh nhóm giải pháp về các mặt kinh tế – xã hội, môi trường và thể chế, quy hoạch tổng thể phát triển ngành, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu. Cùng với đó là cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp, từng bước đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vươn xa và có vị thế trên thị trường quốc tế./.