Độc đáo nghệ thuật làm tranh từ lá bồ đề

Tạp chí Biển Việt Nam - Từ những chiếc lá bồ đề mộc mạc, qua bàn tay, khối óc của những người thợ ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm triết lý của nhà Phật.

Từ lâu, cây bồ đề đã được xem là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên cây bồ đề còn được mọi người biết đến với tên gọi khác là cây giác ngộ. Tương truyền về sự tích cây bồ đề kể rằng, đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định dưới bóng cây Bồ đề 49 ngày, sau đó đã giác ngộ được giáo lý của Phật giáo.
Sau khi giác ngộ, Đức phật đã đi truyền bá giáo lý khắp các vùng ở châu Á và hướng mọi người đi theo đạo Phật. Vì vậy nhìn thấy cây bồ đề, người ta thấy được sự bình yên và may mắn.
Nình Bình nổi tiếng gắn liền với các di tích lịch sử tâm linh như quần thể đền thờ các triều đại Đinh, Tiền Lê – Cố đô Hoa Lư… là địa danh gắn với chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Có thể coi Ninh Bình là vùng đất Phật Giáo của Việt Nam.

Vùng đất Ninh Bình từ xưa đã được ví như cái “nôi” của Phật giáo Việt Nam.

Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu, sáng tạo và biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề.
Chị Trịnh Thị Lý – Phó Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Một lần tình cờ được xem các clip ở trên mạng về ý nghĩa của lá bồ đề trong đạo Phật và có một số sản phẩm lá bồ đề đã có từ trước đó ở những nước nổi tiếng về Phật giáo như Ấn Độ, Trung Quốc, chúng tôi đã liên tưởng ngay đến Bái Đính quê hương mình nơi cũng có rất nhiều những cây bồ đề ở dọc đường. Từ đó, chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm từ những chiếc lá bồ đề để mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống”.

Mỗi tác phẩm đều được chế tác vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo.

Theo chị Lý chia sẻ, để tạo ra những tác phẩm từ lá bồ đề, những người thợ của Hợp tác xã Sinh Dược phải thu hoạch lá vào khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm. Đây là thời điểm có nhiều lá già với phần gân dẻo dai, đạt chất lượng tốt nhất để sơ chế.
Sau thu hoạch, lá được ngâm trong nước vôi từ 1-2 tháng để phần thịt phân hủy. Công nhân sẽ dùng bàn chải chà sạch phần thịt lá, chỉ để lại gân, sau đó phơi khô nhẹ và nhuộm màu. Tất cả công đoạn trên đều được thực hiện thủ công, tránh cho lá bị rách.
Chất dùng để nhuộm lá thường là màu nước pha với hợp kim, vừa giữ cho phần gân mỏng manh của lá được cứng cáp, không bị ố màu, đồng thời khi nhìn dưới ánh sáng sẽ mang lại hiệu ứng lấp lánh rất đẹp mắt.

Công đoạn ghép tranh đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ của người thợ.

Tiếp đến là công đoạn chế tác tranh. Những chiếc lá bồ đề đã sơ chế sẽ được đính kết để tạo thành các bức tranh tinh xảo đã được lên ý tưởng từ trước. Ngoài ra, người nghệ nhân cũng có thể vẽ hoặc viết thư pháp lên trên lá, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa hoặc những triết lý của nhà Phật.
“Mỗi bức tranh tùy vào kích thước khác nhau sẽ mất từ 7 – 20 ngày để hoàn thành. Đối với những bức tranh pha trộn thêm chất liệu khác như gỗ, đá… thời gian còn lâu hơn, bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỉ mẩn”, chị Lý chia sẻ.

Phòng tranh là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất Ninh Bình.

Để nâng cao giá trị nghệ thuật và thương hiệu, chị Lý tiếp tục nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm lưu niệm có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: cúp pha lê lá bồ đề, lá bồ đề dát vàng, thập bồ đề hoa thiên đăng, thư pháp trên lá bồ đề…

Những tác phẩm tranh độc đáo từ lá bồ đề
Nhờ sự độc đáo và vẻ đẹp riêng có, những tác phẩm từ lá bồ đề ngày càng nổi tiếng, trở thành mặt hàng hút khách trên các kênh bán hàng truyền thống và online. Năm 2021, sản phẩm tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình.

Hoàng Thế Công

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu