Quảng Bình tập trung phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Với đường bờ biển dài, cùng với thềm lục địa rộng tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng với trữ lượng lớn và phong phú về loài (1.650 loài), vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy hải sản khá lớn, tổng diện tích lên tới 15.000ha với chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm, cua…
Trong năm 2023, nhờ công tác quản lý và khai thác có hiệu quả nên nguồn lợi từ các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương không ngừng phát triển. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 97.097 tấn, đạt 101,7% so với kế hoạch, tăng 4,2% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 83.864 tấn và tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 13.233 tấn; trong đó sản lượng nuôi mặn lợ 4.750 tấn và sản lượng nuôi ngọt 8.483 tấn. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi thủy sản củng không ngừng tăng lên theo các năm. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6.716 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó: diện tích nuôi mặn lợ đạt 1.795 ha và diện tích nuôi ngọt đạt 4.921 ha.
Đội tàu cá Quảng Bình.
Để hoạt động đánh bắt có hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tiếp tục sản xuất khai thác ở ngư trường vùng khơi, vùng biển xa, chủ động thông tin dự báo ngư trường giúp ngư dân tìm kiếm ngư trường có nguồn lợi, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả. Mở các lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng các hạng; tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn cho các tổ đội đoàn kết, tổ biển xa, khuyến khích ngư dân duy trì hoạt động sản xuất theo tổ, đội trên biển. Hướng dẫn ngư dân chuyển sang nghề khai thác sử dụng ít nhiên liệu, đa nghề để luân phiên khai thác theo mùa vụ, ngư trường. Ưu tiên nghề khai thác chọn lọc, có giá trị kinh tế như câu khơi, lưới vây, nghề chụp, lưới rê.
Hiện toàn tỉnh có 1.168 tàu cá từ 15m trở lên khai thác thủy sản xa bờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị, thông tin liên lạc phù hợp với ngư trường. Việc giám sát tàu cá hoạt động trên biển ngày một đẩy mạnh, với trên 1.124 thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên tàu cá, chiếm 96,5% tàu cá xa bờ. Qua theo dõi, kiểm tra, kết hợp danh sách tàu cá vượt ranh giới trên biển do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cung cấp, trong năm đã phát hiện 33 trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển.
Các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác minh 27/33 lượt tàu, 5 trường hợp còn lại đang đôn đốc các địa phương tiếp tục rà soát, xác minh để có xử lý theo quy định. Cùng với đó,  Chi cục đã thực hiện rà soát, kiểm tra, cấp đăng ký, cấp giấy phép khai thác và đưa vào quản lý 2.029 tàu cá từ 6 đến dưới 12m.
Công tác quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 9 cở sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ dưới 24m và vỏ composite dưới 15m; có khoảng trên 60 cơ sở cung cấp đá lạnh, ngư lưới cụ, kinh doanh xăng dầu nghề cá … cơ bản đáp ứng nhu cầu sửa chữa, cải hoán, nhu cầu đá lạnh, ngư lưới cụ, xăng dầu cho các tàu cá ra khơi khai thác; có 26 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đang hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu thu mua hải sản trên biển của tàu khai thác xa bờ trong tỉnh, giúp các tàu cá tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc chấp hành trong khai thác hải sản rất quan trọng.
Toàn tỉnh, có 2 cảng cá đang hoạt động gồm cảng cá Nhật Lệ là cảng cá loại II với quy mô 30 lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản/ngày, lượng hàng hóa qua cảng 15.000 tấn/năm và Chợ cá cầu tàu phường Quảng Phúc là cảng cá loại III với quy mô 20 lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản/ngày, lượng hàng hóa qua cảng 9.000 tấn/năm. Ngoài ra, có cảng cá Sông Gianh đang đóng cảng để sửa chữa nâng cấp, mở rộng; cảng cá Roòn đang trong quá trình đầu tư xây dựng, các cảng cá của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu bốc dỡ thủy sản của các tàu cá.
Có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động gồm: Sông Gianh, Cửa Roòn, Nhật Lệ, Chợ Gộ với tổng sức chứa trên 1.152 tàu cá có chiều dài đến 25m, cơ bản đáp ứng phần lớn neo đậu, tránh trú cho tàu cá trong tỉnh khi vào mùa mưa bão. Công tác đào tạo nghiệp vụ nghề cá cho ngư dân tiếp tục được quan tâm, nắm bắt nhu cầu của ngư dân và phối hợp tổ chức 3 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá các hạng cho trên 264 ngư dân, góp phần trang bị các kỹ năng về khai thác, đáp ứng các chứng chỉ chuyên môn theo quy định trên tàu cá.
Phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng
Trong năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Quảng Bình được thực hiện khá hiệu quả. Những tháng đầu năm Chi cục Thủy sản đã chủ động phối hợp các Đồn Biên phòng tuyến biển, chính quyền địa phương tổ chức 7 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 41 trường hợp vi phạm; trong đó vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có 23 trường hợp, vi phạm về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá 18 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 605 triệu đồng.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Chi cục đã tổ chức 2 cuộc phối hợp kiểm tra tại cửa sông Nhật Lệ, cửa sông Gianh, vùng biển ven bờ, vùng lộng trên địa bàn tỉnh với 295 lượt phương tiện, tham mưu; phối hợp xử phạt 3 trường hợp với số tiền 22,5 triệu đồng. Những kết quả trên đã góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, giúp nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phòng chống khai thác IUU.
Chi cục cũng tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng’’ của EC. Đã tiến hành tổ chức 2 đợt kiểm tra tại Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá về việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; công tác tuyên truyền cho ngư dân khai thác đúng quy định trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh kiểm tra tàu cá xuất bến, cập cảng; đã kiểm tra 1.380 lượt tàu, trong đó xuất bến 1.087 lượt tàu, nhập cảng 293 lượt tàu, sản lượng đạt 147 tấn, cơ bản bảo đảm tỷ lệ kiểm tra theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và các chính sách hỗ trợ thủy sản cũng được tỉnh quan tâm. Trong năm 2023, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức kiểm tra, thẩm định cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm đối với tàu cá từ 15m trở lên, lũy kế đến nay đã cấp chứng nhận cho 1.241 lượt tàu cá, 1 cảng cá và 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng Quảng Bình tổ chức tuyên truyền các quy định về khai thác thủy hải sản.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình: “Việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu là rất quan trọng cho xuất khẩu của thủy sản Việt nam. Từ năm 2017 đến nay, các quy định của pháp luật, công tác tuyên truyện vận động và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng hiện nay sau 6 năm vẫn chưa gỡ đc. Để tiếp tục thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng ngoài việc bà con tự giác chấp hành luật thì công tác chỉ đạo và vào cuộc của các cơ quan ban ngành địa phương cần quyết liệt hơn trong tuyên truyền vận động, trong công tác thực thi pháp luật. Đặc biệt phải có cơ quan chuyên trách thực hiện kiểm tra kiểm soát, thực thi pháp luật chuyên trách như lực lượng Kiểm ngư, cơ quan Cảng giám sát hàng hóa vào cảng… để thực thi thay cho văn phòng kiểm tra nghề cá kiêm nhiệm như hiện nay”.

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản, thực hiện nhiều cuộc kiểm tra về tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả giải pháp chống khai thác IUU, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, coi đây là dịp chấn chỉnh hoạt động khai thác thủy sản phát triển bền vững; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện chống khai thác IUU; nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép ảnh hưởng đến lợi ích Quốc gia, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh vượt ranh giới trên cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm, triệt để theo quy định tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản…

Anh Hoàng - Ngọc Vinh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu