Đồng Hới tìm phương án khắc phục xói lở kè biển Hải Thành – Quang Phú

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 17/6, UBND TP.Đồng Hới (Quảng Bình) phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo khoa học: “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân xói lở tuyến kè biển Hải Thành - Quang Phú và định hướng giải pháp bảo vệ”. Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi VN) đã nêu một số nguyên nhân xói lở tuyến kè Hải Thành – Quang Phú, như đặc điểm bờ biển bị xói lở kéo dài, tốc độ xói trung bình 1,3 m/năm; bãi biển hạ thấp nghiêm trọng, khi có kè, bờ biển được cố định, xói không xâm lấn vào phía trong nhưng gây ra hiện tượng hạ thấp bãi biển phía trước kè. Sóng cao vượt thiết kế gây phá hoại kè.

Một số nguyên nhân khác đó là thiếu hụt trầm tích, mất cân bằng bồi – xói. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm tăng mực nước và sóng đánh vào chân kè.

Tuyến kè bị sóng đánh hư hỏng nhiều lần.

Đơn vị cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan, như sau: thiết kế thiếu đánh giá đầy đủ về thủy động lực, địa hình đáy, tác động khí hậu. Hạn chế tài chính, ưu tiên giải pháp cứng, thiếu nghiên cứu dài hạn. Tiêu chuẩn thiết kế cũ, chưa cập nhật điều kiện cực đoan mới.

Về phương án xử lý, đại diện Viện Thủy công, đề xuất định hướng bảo vệ tuyến bờ như sau: Ưu tiên sửa chữa, gia cố khẩn cấp các đoạn kè hư hỏng nghiêm trọng bằng giải pháp kè mái nghiêng sử dụng đá hộc hoặc cấu kiện bê tông đúc sẵn. Để xử lý triệt để lâu dài cần xây dựng công trình đê ngầm giảm sóng xa bờ để giảm năng lượng sóng trước khi vào đến bờ, tạo điều kiện hình thành, ổn định lại bãi cát tự nhiên, từ đó tăng hiệu quả bảo vệ tuyến kè bờ, duy trì giá trị cảnh quan – du lịch bền vững.

Cụ thể, đơn vị kiến nghị cần phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với năng lực tài chính:

Giai đoạn 1: sửa chữa, gia cố toàn tuyến kè hiện trạng theo mức độ hư hỏng ưu tiên; bổ sung tiêu thoát nước, xử lý lún cục bộ và cải tạo mặt kè. Giai đoạn 2: nghiên cứu, thiết kế và thí điểm một đoạn đê ngầm giảm sóng xa bờ; đánh giá ảnh hưởng đến địa hình đáy, dòng ven, bồi lắng bãi. Giai đoạn 3: mở rộng triển khai hệ thống đê ngầm toàn tuyến kết hợp duy tu, nâng cấp tuyến kè bờ theo hướng mềm hóa, thân thiện với môi trường và du lịch.

Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Một số ý kiến từ cấp chính quyền, ban ngành địa phương sở tại cũng đáng chú ý tại hội thảo. Theo đó, đại diện UBND phường Hải Thành cho rằng: “Trước đây bờ biển không hẹp như bây giờ mà rất rộng. Bờ biển ngày càng bị xói lở. Trong đó có nguyên nhân từ việc xây đập Mỹ Trung và việc hút cát ở khu vực cửa sông Nhật Lệ. Vì vậy, nếu làm không cẩn thận thì biển sẽ mất hết, ảnh hưởng đến du lịch”.

Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Bình đề nghị: “Cần đánh giá các nguyên nhân đầy đủ, có những giải pháp toàn diện bảo vệ bờ và đảm bảo tính thẩm mỹ. Trong đó cần ưu tiên việc tiêu sóng từ xa, tạo bồi và lưu ý không để ảnh hưởng việc thoát lũ ở cửa sông Nhật Lệ”.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan đã đánh giá cao những khảo sát, đề xuất của các đơn vị, cá nhân; đồng thời đề nghị tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu để có các phương án tối ưu nhất, giúp thành phố thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, sửa chữa, bảo vệ kè, bờ biển trong khu vực. Yêu cầu đơn vị tư vấn căn cứ, vận dụng các phương án đề xuất của các nhà khoa học để thực hiện tu sửa.

Được biết, tuyến kè biển Hải Thành – Quang Phú là công trình mang ý nghĩa chiến lược trong việc ngăn chặn xói lở, xâm thực và đảm bảo mỹ quan. Tuy nhiên, ngay từ khi mới được đầu tư xây dựng, tuyến kè đã không đứng vững được trước sự tấn công của sóng biển; nhất là đợt mưa lũ lớn năm 2020 đã gây hư hại nặng cho kè nhưng chưa có phương án khắc phục tình trạng xói lở hiệu quả.

Đại Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM