Phát triển Cảng xanh không chỉ là xu hướng

Tạp chí Biển Việt Nam - Để được công nhận là cảng xanh, cảng biển cần đạt được ít nhất 60% số điểm (60/100 điểm) từ các tiêu chí được xác định trong quy hoạch xây dựng cảng xanh tại Việt Nam. Điều này nhấn mạnh việc cảng biển cần tuân thủ và thực hiện các tiêu chí cảng xanh để đảm bảo hoạt động của cảng biển và ngành hàng hải được thực hiện một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Nhận thức cụ thể những tiêu chí cảng xanh
Quy hoạch và phát triển cảng xanh trên toàn cầu hiện nay không chỉ là xu hướng mà là nhu cầu cấp thiết khi các quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành hàng hải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng hải trên toàn cầu. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.
Được phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 02/06/2021 Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên sáu nhóm tiêu chí chính, gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Được biết, khi xây dựng Đề án cảng xanh, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm từ nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới như Hướng dẫn cảng xanh của Cảng vụ New South Wales 2000; Hướng dẫn xanh của Tổ chức cảng biển châu Âu 2021; đặc biệt là Kế hoạch thực hiện cho hệ thống giải thưởng cảng xanh – Ban thư ký APSN 2020. Các thông tin tham khảo đều có liên quan tới khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và nền kinh tế các nước trong khu vực có sự tương đồng. Đồng thời trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh các đơn vị tham gia lập đề án đã căn cứ vào thực tế hoạt động của hệ thống cảng biển Việt Nam, xem xét kỹ những đặc thù của cảng biển và các quy định của pháp luật đối với cảng biển của Việt Nam.
Bộ tiêu chí cảng xanh được ban hành là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá và tự chấm điểm, cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu quy hoạch phát triển cảng xanh ở Việt Nam.
Các tiêu chí được cụ thể hóa như sau. Về tiêu chí “Nhận thức về cảng xanh”, là tiêu chí liên quan đến việc nhận thức và ý thức của các doanh nghiệp cảng biển về tầm quan trọng của việc xây dựng cảng xanh, cũng như cam kết và sẵn sàng tham gia vào quá trình này. Ở tiêu chí này có các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp áp dụng và tham chiếu như xây dựng và ban hành chiến lược hoặc kế hoạch phát triển cảng xanh. Nguồn kinh phí cho phát triển cảng xanh, các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh. Các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh. Báo cáo thường niên của doanh nghiệp về thực hiện các mục tiêu cảng xanh.
Cảng biển Hải Phòng phát triển vượt bậc lọt top 100 cảng lớn của thế giới 
Tiêu chí thứ hai là “Sử dụng tài nguyên”, tiêu chí này tập trung vào việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời giảm lượng lãng phí tài nguyên trong hoạt động của cảng; Tiêu chí “Quản lý chất lượng môi trường” đảm bảo rằng hoạt động của cảng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh, bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động; Với tiêu chí “Sử dụng năng lượng”, doanh nghiệp cần tập trung vào việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm, cũng như khuyến khích việc áp dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp cảng biển phải có những hành động trong việc hướng tới mô hình cảng xanh như, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời..), sử dụng nhiên liệu LNG, Hydro…, sử dụng nguồn điện trên bờ. Sử dụng phương tiện giao thông trong khu vực cảng bằng điện hoặc nhiên liệu sạch không phát thải khí nhà kính… Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác.
Tiêu chí “Ứng dụng công nghệ thông tin” liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và vận hành cảng, giúp tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc ứng dụng CNTT thực tế là những hoạt động như thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử; Sử dụng Mobile Apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan). Tự động hóa trong hoạt động của cảng như ứng dụng phần mềm cảng điện tử (Eport), sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý container…
Tiêu chí “Giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” đề cập đến việc giảm phát thải, đồng thời chuẩn bị và ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng đối với hoạt động của cảng. Doanh nghiệp phải có các phương án giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Gia tăng năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát tiếng ồn. Kiểm soát ô nhiễm chất thải lỏng và rắn…
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, các tiêu chí này phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Và tương đối phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, cũng như với sự phát triển của hàng hải quốc tế.
Phát triển cảng xanh Việt Nam cần sự đồng hành của Chính phủ
Cảng xanh được xem là một phần của chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Việc xây dựng hệ thống cảng xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn giúp cảng biển hội nhập với quốc tế.
Phát triển cảng xanh trong điều kiện của Việt Nam là một quá trình dài với nhiều thuận lợi và thách thức đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá cụ thể để có được kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn những đã có không ít doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam nhận thức và quyết tâm từng bước chuyển đổi cảng xanh và đã được các tổ chức quốc tế trao giải thưởng. Năm 2018, Cảng Tân Cảng – Cát Lái (TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là cảng đầu tiên tại Việt Nam được Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) công nhận là cảng xanh vì đạt các tiêu chí của Chương trình Hệ thống cảng xanh (GPAS). Đây là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam quy mô 160 ha bãi, 2.040 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong tốp 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Tiếp theo là Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cũng đón giải thưởng Cảng xanh 2020 do Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN)  trao năm 2021. Hai cảng này đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch cho cần cẩu, xe chạy trong cảng. Đồng thời, xây dựng được những giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container.
Thực tế cho thấy, xu thế xây dựng cảng xanh ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp cảng biển tích cực triển khai vì những lợi ích của nó. Từ năm 2022, cảng Quy Nhơn đã chuyển sang mô hình cảng biển điện tử Eport để giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế 24/7. Cảng đã sử dụng điện thay vì sử dụng dầu diesel với hai cẩu QC tại cảng để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo cảng Quy Nhơn cho biết, trước đây, cảng mất khoảng 5 ngày để giải phóng một tàu hàng tổng hợp 50.000 tấn nhưng từ khi sử dụng các thiết bị bằng điện, thời gian chỉ còn 2,5 ngày. Năng suất làm hàng tăng từ 10 – 20%, đặc biệt, chi phí vận hành cũng giảm nhiều.
Đại diện Công ty cổ phần Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink và cảng Nam Đình Vũ) thông tin, việc phát triển cảng xanh, ứng dụng công nghệ, phần mềm tiên tiến và đầu tư trang thiết bị hiện đại sẽ giúp các cảng tăng năng lực thông qua với công suất thực tế có thể tăng tối thiểu 20% và tiết kiệm chi phí giấy tờ. Đồng thời, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng tiêu chuẩn xanh toàn cầu và góp phần tạo động lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Những tín hiệu tích cực là động lực để ngành cảng biển đẩy mạnh triển khai chuyển đổi cảng xanh. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn vào thực tế hiện nay còn nhiều vấn đề khó khăn cần sự đồng lòng của cả hệ thống doanh nghiệp và Chính phủ.
Trao đổi về những khó khăn trong quá trình phát triển cảng xanh, lãnh đạo phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng: Hành trình chuyển đổi cảng xanh thách thức đầu tiên là nguồn vốn, sau đó là hệ thống pháp lý và nguồn nhân lực…
Cùng quan điểm về những khó khăn do nguồn vốn hạn chế trong quá trình chuyển đổi cảng xanh, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết: Với các cảng biển đã đầu tư xây dựng, khai thác từ nhiều năm trước đây, có dây chuyền bốc xếp lạc hậu. Muốn phát triển cảng xanh cần phải thay thế dây chuyền bốc xếp hiện đại hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường…“Đó là chưa kể, phát triển cảng xanh cũng cần đồng hành phát triển cảng thông minh, đô thị xanh, thông minh; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào vận hành và quản lý cảng… Cùng với đó là việc xanh hóa các phương thức kết nối với cảng để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn”. Ông Vũ cũng cho biết thêm, hiện nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi sang năng lượng xanh, còn các doanh nghiệp chưa ước tính được tổng kinh phí cho việc này. Khi chuyển đổi mô hình sang cảng thông minh, việc đầu tư các trang thiết bị điện tử khá tốn kém. Vốn đầu tư vô cùng quan trọng nên không dễ để các doanh nghiệp có thể đầu tư các trang thiết bị hiện đại.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, lãnh đạo Cảng Tân Cảng – Cái Mép cũng là lãnh đạo Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á cho biết, ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại khi tốc độ phát thải ngày càng tăng tỷ lệ thuận với tốc độ giao thương hàng hải hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Hầu hết doanh nghiệp đang thiếu vốn do khó tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn chưa được quan tâm thích đáng.
Phát triển cảng biển nói chung và cụ thể hơn là đáp ứng các tiêu chuẩn cảng xanh còn gặp khó khăn với thực tế là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng cảng của Việt Nam đã cũ cùng khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực và hệ thống pháp lý ở lĩnh vực này chưa hoàn chỉnh… Những vấn đề này đòi hỏi Chính phủ cần tích cực hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp, tìm kiếm những giải pháp dài hơi để phát triển cảng biển xanh, bền vững đúng tiêu chuẩn quốc tế./.
Tiến Mạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu